Chợ Đồng Xuân, trận địa chống pháp 1946 - 1947 (quận Hoàn Kiếm)
Chợ Đồng Xuân là ngôi chợ lớn nhất ở Hà Nội, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là di tích trận địa chống Pháp của Liên khu I Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946-1947).
Sau tiếng súng kháng chiến toàn quốc (19/12/1946) quân dân Hà Nội đã cùng toàn dân đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu quốc.
Sang ngày 21, 22, 23, 24 tháng 12 năm 1946, Pháp huy động lực lượng với nhiều vũ khí tối tân cơ giới, chiếm được Cửa Nam, Công an Hàng Trống, Trụ sở Quốc hội, Toà Thị chính, Bưu điện, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, và khu vực Nhà hát Lớn.
Đến cuối tháng 12, địch phá vỡ các vòng vây của ta ở các cửa ô và đại bộ phận nội thành, trừ Liên khu I.
Tại Liên khu I, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng gay go ác liệt. Từ ngày 26/12/1946 đến 4/2/1947, giặc Pháp nã pháo suốt ngày đêm vào các phố Hàng Vải, Hàng Bún, Hàng Bông, Hàng Gai...
Sáng 14/2/1947, giặc Pháp mở đợt tấn công lớn vào tiểu khu Đồng Xuân thuộc Liên khu I.
Theo Trung tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy mặt trận Hà Nội, thì giặc Pháp tập trung hơn 400 quân và hàng chục xe cơ giới các loại bao vây tiến hành đánh chợ Đồng Xuân với ý định sau đó sẽ thọc thẳng vào trung tâm chỉ huy Liên khu I. Ngày 11, 12, 13 tháng 2 năm 1947, giặc Pháp cho máy bay ném bom bắn phá liên tiếp vào khu chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Mắm...
Mờ sáng 14/2, máy bay địch lại tiếp tục ném bom, bắn phá; pháo binh, súng cối của địch bắn liên tiếp vào chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh. Khi xe tăng địch tiến vào được trong chợ, quân ta từ các quầy hàng, lừa cho xe tăng địch đi qua, bộ binh địch vừa tới, thì xông ra đánh giáp lá cà. Phút chốc, trong chợ diễn ra những cuộc vật lộn vô cùng ác liệt.
Đồng chí Đỗ Tấn, nguyên chính trị viên tiểu khu Đồng Xuân kể lại cuộc chiến đấu giáp lá cà trong chợ Đồng Xuân như sau: Bọn địch cậy đông người xông lên, những tên “mũi đỏ” mồm ngậm dao găm, tay súng lục, súng tiểu liên, thằng nọ chết, thằng kia nhảy vào vật lộn với ta. Chúng ta dùng báng súng, lưỡi lê, dao thái thịt, búa, xẻng, cuốc, và cả gạch vụn, nghĩa là có thứ gì có thể diệt địch được là dùng. Đến gần 12 giờ trưa, khi tiếng súng, lựu đạn và những tiếng thét đuổi nhau, vật lộn nhau ngừng hẳn, người ta thấy bọn “mũi đỏ” ngực đầy lông lá mang tất cả những chiến sĩ của ta, kể cả chết và bị thương ra thiêu sống.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuốn hồi ký Chiến đấu trong vòng vây đã tổng kết: “Trận đánh chỉ ngừng lại khi sẩm tối, số quân địch thương vong lên tới gần 100, 3 xe bọc thép bị ta phá huỷ. Bên ta 15 người hy sinh, 19 người bị thương”.
Trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của chúng ta trong 2 tháng đầu kháng chiến ở Thủ đô và cũng là trận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Liên khu I Hà Nội.
Chợ Đồng Xuân là một di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu ở Thủ đỗ. Chợ được xây dựng năm 1890, đến năm 1980 chợ Đồng Xuân được đập đi để xây dựng chợ Đồng Xuân mới 2 tầng và đến năm 1994, chợ bị cháy, rồi lại xây lại 3 tầng như hiện nay.
Mặc dù những di vật liên quan đến trận chiến đấu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân không còn gì, nhưng tấm biển đã gắn trên tường phía trước (phía phố Đồng Xuân) đã ghi: “Ngày 14 tháng 2 năm 1947, các chiến sĩ Thủ đô đã anh dũng chiến đấu giáp lá cà tiêu diệt giặc Pháp trong cuộc tấn công của chúng vào chợ Đồng Xuân, 100 tên địch đã bị chết và bị thương, 4 xe tăng địch bị phá huỷ". Tấm phù điêu được hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô (10/10/2004), mang tên: “Hà Nội mùa đông năm 1946”, có chiều cao 5,7m, rộng 4,4m, bằng bê tông cốt thép, được dựng ở phía tây bắc chợ Đồng Xuân đã phần nào làm sống lại những giờ phút lịch sử của cuộc chiến đấu tại chợ Đồng Xuân tháng 2/1947./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02