Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 15:14

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thông Phúc (tức Phúc Ký), thuộc thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

nha-luu-niem.jpg
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Hậu Ái.

Nhà lưu niệm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 20km về phía tây bắc. Từ Hà Nội đi theo đường quốc lộ 6 tới Hà Đông, rẽ phải vào đường tỉnh lộ 430 đi Nhổn, tới ngã tư Canh rẽ trái vào đường liên huyện, đi khoảng chừng 2km là tới địa phận thôn Hậu Ái, đi tiếp đến đình Hậu Ái, rẽ phải theo đường gạch vào xóm chừng hơn trăm mét là tới Nhà lưu niệm.

Hiện nay, Hậu Ái là một thôn của xã Vân Canh. Vào thời Lê, Hậu Ái là một phần của xã Di Ái, tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Về sau, Di Ái đổi tên thành thôn Nhân Ái. Từ thời Nguyễn cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhân Ái đổi tên thành Hậu Ái, là một thôn thuộc xã Vân Canh, tổng Vân Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Vân Canh là một vùng đất lịch sử và có truyền thống văn hoá lâu đời, từ lâu đã nổi tiếng với câu ca: “Mỗ, La, Canh, Cót - tứ danh hương”. Sau năm 1955, xã Vân Canh được gọi là xã Thọ Nam, huyện Hoài Đức. Từ 1968, xã được gọi lại là Vân Canh, huyện Hoài Đức. Trong thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vân Canh cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Tại nhà thờ “Ban chi” họ Nguyễn Phan, ngôi nhà nằm liền sân với ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc, Hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp từ ngày 3 đến ngày 5/3/1946 để bàn chủ trương “Hoà để tiến”. Phiên họp tối 5/3/1946 của Hội nghị này do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã thông qua đường lối thương lượng với Pháp, thông qua quyết định ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Sau buổi họp đêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến địa điểm đàm phán theo yêu cầu của Xantony tại 38 Lý Thái Tổ (Hà Nội) vẫn đúng giờ.

Với âm mưu trở lại xâm lược nước ta lần nữa, thực dân Pháp ngày càng tăng cường khiêu khích ta. Chúng tấn công ta ở Hải Phòng, đánh chiếm Lạng Sơn và giở trò khiêu khích ta ở Hà Nội. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương quyết định, một mặt khẩn trương chuẩn bị lực lượng bảo vệ chính quyền, bảo vệ Thủ đô Hà Nội, đồng thời mặt khác chuẩn bị cơ sở để bảo toàn lực lượng cách mạng.

Thời gian này, ban ngày Bác Hồ tuy vẫn làm việc ở Bắc Bộ phủ, nhưng ban đêm được các đồng chí ở Trung ương bố trí nghỉ đêm ở ngoại thành. Đến ngày 26/11/1946, Bác Hồ cùng với một số đồng chí bảo vệ và phục vụ bí mật rời Hà Nội về Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức. Tài liệu và đồ dùng cần thiết đã được chuyển đi từ mấy hôm trước. Khoảng 19h30 phút, chiếc xe Pho cũ kỹ, mui vải bạt đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bắc Bộ phủ qua Ngã Tư Sở vào Hà Đông. Qua cầu xi măng, rẽ phải về hướng Sơn Tây, qua Đại Mỗ tới Ngã tư Canh thì dừng lại. Từ đây, Người cùng cả đoàn đi bộ về Hậu Ái. Trời lạnh, sáng trăng suông. Bác Hồ trong bộ áo the, khăn xếp, tay cầm ô, vai đeo ruột tượng trong có đựng tấm bản đồ, dáng dấp như cụ Lý từ phủ huyện về làng.

Bác Hồ cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Vũ Kỳ theo đồng chí cán bộ địa phương dẫn đường đi tắt qua Mã Đìa, Mã Am lên đường gạch rồi sang một đoạn đường hẹp mấp mô đến cổng quán, vào nhà cụ Nguyễn Thông Phúc. Gia đình cụ Phúc đã nhường lại toàn bộ ngôi nhà chính cho Bác Hồ và cơ quan sử dụng. Dưới nhà là nơi ở của các đồng chí giúp việc và bảo vệ Bác. Trong thời gian một tuần ở đây (từ ngày 26/11 đến ngày 3/12/1946), Bác Hồ ở và làm việc trên gác suốt cả ngày nhưng mọi tin tức, mọi công việc và công văn đi, đến vẫn được Bác giải quyết kịp thời.

Sáng sớm ngày 3/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Vân Canh về Hà Nội. Trời rét, Bác quàng khăn kín mặt, đội mũ cátkét dạ, khoác thêm chiếc áo Bađờxuy màu cỏ úa. Lúc ra đi, sương trắng còn phủ khắp cánh đồng. Xe đã chờ sẵn ở Ngã tư Canh. Chưa đến 6 giờ sáng Bác đã đến Bắc Bộ phủ. Bác Hồ làm việc cả ngày ở đó. Đến 19h30 phút, đồng chí Trần Đăng Ninh đón Bác về Vạn Phúc (Hà Đông), không trở lại Vân Canh nữa.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vân Canh, mọi công việc bảo vệ, phục vụ Bác chủ yếu do các đồng chí trong cơ quan đảm nhiệm, khi cần thiết có thể thêm các đồng chí người địa phương như: Nguyễn Phan Lễ, Lê Thành Công, Nguyễn Phan Ngọc (là các con trai cụ Phúc và đồng chí Nguyễn Phan Lễ lúc đó là Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Hà Đông).

Cũng tại ngôi nhà cụ Nguyễn Thông Phúc, tối ngày 19/12/1946, các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đã họp bàn việc chỉ đạo và theo dõi ngày toàn quốc kháng chiến.

Qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thông Phúc cũng bị thực dân Pháp phá huỷ lấy đi vật liệu để xây dựng đồn bốt, chỉ còn lại nền móng.

Năm 1988, được sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đảng bộ nhân dân huyện Hoài Đức và xã Vân Canh đã khởi công khỏi phục lại nguyên dạng ngôi nhà cụ Nguyễn Thông Phúc trên nền móng ngôi nhà cũ. Căn gác Bác Hồ đã ở và làm việc được phục nguyên như khi Bác Hồ đã ở năm 1946 với những hiện vật gốc của gia đình. Dưới nhà, gian giữa được sử dụng làm nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trưng bày bổ sung sự kiện lịch sử. Gian bên phải là nơi đặt bàn thờ gia đình cụ Nguyễn Thông Phúc. Gian bên trái là nơi trưng bày một số tư liệu của trường tư thục Hứa Do do con cụ Nguyễn Thông Phúc là Nguyễn Phan Lễ là hiệu trưởng. Gian này cũng là địa điểm sinh hoạt của các cơ quan đoàn thể của thôn Hậu Ái, xã Vân Canh.

Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Vân Canh đã mở cửa phục vụ khách tham quan. Hiện nay di tích trở thành địa chỉ đỏ, là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo của xã, của huyện và là nơi ôn lại truyền thống quê hương cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Vân Canh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp quốc gia theo Quyết định số 15/2003/QĐ-BVHTT./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)