Danh thắng & Di tích Hà Nội

Quảng trường Nhà hát Lớn và Nhà hát Lớn thành phố trong ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 14:49

Quảng trường Nhà hát Lớn ở trung tâm Thủ đô Hà Nội tại số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm nay mang tên Quảng trường Cách mạng tháng Tám.

quang-truong-nha-hat-lon-ha-nooi-ngay-nay.jpg
Quảng trường Nhà hát Lớn ngày nay.

Sau khi ra đời (3/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận sứ mệnh lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, tự do. Tháng 2/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), Đảng ta đã xác định: cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, lực lượng cách mạng phải tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Nhật - Pháp. Hội nghị chủ trương lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân để giải quyết vấn đề dân tộc.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 8/5/1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Đảng ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Hội nghị quân sự Bắc Kỳ xác định: “Ở những nơi chưa có điều kiện phát động chiến tranh du kích, hình thức đấu tranh mấu chốt là mít tinh, biểu tình chính trị, vũ trang tuần hành thị uy...”.

Tại Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, áp phích của Việt Minh kêu gọi chống Nhật. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết nổ ra khắp nơi. Ngày 17/8/1945, báo chí đăng tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Buổi chiều, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, diễn ra cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ chính quyền bù nhìn. Nhân cơ hội này các tổ chức cứu quốc đã bí mật huy động hàng vạn quần chúng Hà Nội, Hà Đông tham dự. Cuộc mít tinh vừa bắt đầu thì các cán bộ Việt Minh nhảy lên chiếm diễn đàn trước sự ngơ ngác bất lực của lực lượng cảnh sát, bảo an của chính quyền bù nhìn. Nhiều lá cờ đỏ sao vàng được giương cao, một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được buông từ tầng gác Nhà hát Lớn xuống. Hội viên tuyên truyền báo tin Nhật đã đầu hàng, nói rõ đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đả đảo bọn bù nhìn thân Nhật. Cuộc mít tinh biến thành cuộc diễu hành, qua phố Tràng Tiền, rẽ ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, lên Cửa Bắc quay về Cửa Nam rồi giải tán. Đoàn diễu hành hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tại Quảng trường Nhà hát Lớn, từ 11 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người được tiến hành rất nghiêm trang, bắt đầu bằng phút chào cờ, mặc niệm và cử hành điệu nhạc Tiến quân ca. Đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang. Một khối đến phủ Khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ). Anh em tự vệ trèo qua hàng rào sắt xông vào. Quần chúng như nước vỡ bờ, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, trấn áp kẻ thù. Lính bảo an giữ phủ Khâm sai đã đầu hàng lực lượng cách mạng. Cờ của Chính phủ bù nhìn được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ ở phủ Khâm sai. Một khối qua Hàng Bài, chiếm trại Bảo an binh. 1000 lính giữ trại đã đầu hàng cách mạng.

Cũng tại Nhà hát Lớn, nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra:

- Ngày 29/8/1945, đoàn quân giải phóng từ Việt Bắc về ra mắt đồng bào Thủ đô.

- Ngày 16/9/1945: đã diễn ra “Tuần lễ vàng”.

Đầu tháng 10/1945: tổ chức ngày “Nam Bộ kháng chiến”.

- Ngày 5/3/1946: Họp Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khoá đầu tiên.

- Ngày 2/9/1946, mít tinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà, cũng là lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Ngày 8/10/1946: Quốc hội họp kỳ 2, thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Quảng trường Nhà hát Lớn rộng 2.600m2, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Tám và những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Vì vậy, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/1995), Quảng trường được đặt tên là Quảng trường Cách mạng tháng Tám.

Nhà hát Lớn hiện nay đã qua nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ gìn nguyên hiện trạng mặt ngoài ngôi nhà, các bậc lên xuống ở phía trước và tấm biển đá ghi sự kiện lịch sử của di tích cách mạng kháng chiến. Tuy nhiên, màu sắc, chất liệu tấm biển (bằng đá) theo chúng tôi cần được thay thế cho xứng đáng với di tích Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Đồng thời, nội dung tấm biển chỉ ghi: “Nơi đây, ngày 19/8/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh của hàng vạn quần chúng cách mạng do Mặt trận Việt Minh thành phố tổ chức trước khi đi chiếm các cơ quan đầu não của địch trong thành phố”, như vậy còn một số sự kiện chưa được thể hiện trong tấm bảng, đặc biệt là cuộc mít tinh ngày 17/8/1945.

Nhà hát Lớn đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 2004. Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đặt gắn biển di tích cách mạng “Quảng trường Cách mạng tháng Tám”./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)