Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà số 79 phố Đội Cấn, nhà số 80 và 57 phố Phan Đình Phùng - nơi làm việc và ở của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (quận Ba Đình)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 11:39

Cụm di tích liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ hiện nay thuộc địa phận phường Đội Cấn và phường Quán Thánh đều thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Nhà số 79 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, là nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hoạt động bí mật thời kỳ 1936 - 1939

Trong những năm 1935, 1936, 1937, một phong trào ái quốc bùng lên mạnh mẽ đã lôi cuốn đồng bào các tầng lớp nhân dân lao động xuống đường đấu tranh. Ở Hà Nội liên tiếp nổ ra những cuộc biểu dương lực lượng của hàng vạn quần chúng.

Từ giữa năm 1937, để đối phó với phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động, bọn phản động thuộc địa bày trò cải cách bằng cách lập ra một Uỷ ban xét về lao động gồm bọn tư bản thực dân Pháp, một số tư sản người Việt. Nhân cơ hội đó, Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân, buộc bọn chủ phải thi hành luật Lao động.

Để tranh thủ lôi kéo những người Pháp dân chủ và một số trí thức tiến bộ về mình, Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội đã đưa một số đảng viên và cán bộ trí thức tham gia chi nhánh Đảng xã hội Pháp ở Hà Nội như giáo sư Phan Thanh, đồng chí Đặng Châu Tuệ, đồng chí Phan Tử Nghĩa.

Nhà số 79 Đội Cấn là nhà bà Nguyễn Thị Nam - nơi đi lại hoạt động bí mật của nhiều đồng chí cách mạng vào những năm 1936 - 1939, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng ta lúc bấy giờ.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thường xuyên tới đây trong thời gian khá dài với tư cách là Tổng Bí thư Trung ương Đảng. Thông qua cơ sở này, đồng chí đã phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng. Khi ra vào đây đồng chí thường mặc áo the dài, đầu đội khăn xếp, mặc quần trắng, đi giày ta, xách ô đen giống như kiểu ông đồ hoặc như số đông học sinh, sinh viên vẫn trọ học ở khu vực này. Đây là khu vực có nhiều cơ sở cách mạng. Để cảnh giác, bà Nam thường dọn mẹt hàng ra bán ngoài cửa để canh chừng bọn mật thám, sẵn sàng có tín hiệu báo cho các đồng chí đang ở trong nhà biết để rút ra cửa sau.

Khu vực phố Đội Cấn có rất nhiều nhà xây để cho thuê, các chiến sĩ cách mạng thường hay thuê làm nơi đi lại, do đó bọn mật thám cũng theo dõi chặt chẽ. Ngay từ khi bà Nam dọn hàng xén, bọn chúng đã có ý rình mò. Có lần đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang ở trong nhà bị bọn chúng ập đến, bà Nam đã bình tĩnh gõ ám hiệu để đồng chí kịp thời đi ra cổng sau vào ngõ Gia Thịnh để trốn thoát. Đến năm 1939, tình hình không đảm bảo an toàn nên bà Nam không ở đây nữa và chuyển về quê ở Thanh Hoá. Khi trở về quê, bà vẫn tiếp tục tham gia giúp đỡ cách mạng.

Theo lời kể của các nhân chứng và những người cùng sống với cụ Nam thì ngôi nhà này đã trải qua nhiều chủ và đã thay đổi khá nhiều so với trước đây.

Khi viết về những cơ sở cách mạng bí mật ở Hà Nội, trong cuốn Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội (NXB Hà Nội, 1982), đã đề cập: “Mặc dù phong trào công khai đang phát triển, Đảng ta vẫn hết sức chú trọng xây dựng các cơ sở liên lạc bí mật ở Hà Nội, làm mạch máu giao thông của Đảng để che giấu cán bộ khi cần thiết”.

Từ những cơ sở bí mật này, lực lượng quần chúng cách mạng ngày càng mở rộng và phát triển, làm tiền đề cho việc giành chính quyền Cách mạng tháng Tám sau này.

Ngôi nhà 79 Đội Cấn là di tích liên quan đến nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng ta, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ - một trong những người đứng đầu của Đảng những năm tháng mới thành lập.

Nhà số 80 phố Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, là nơi liên lạc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với Xứ uỷ Bắc Kỳ thời kỳ 1936 - 1939

Tại đây đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Hội nghị xứ uỷ Bắc Kỳ (1936-1939).

Từ cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia lãnh đạo phong trào công nhân ở Mạo Khê và trở thành Bí thư đặc khu uỷ Hòn Gai - Uông Bí. Đầu năm 1932, ông bị bắt và đầy ra Côn Đảo. Cuối năm 1936, sau khi ra tù ông được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ. Vào tháng 8 năm 1936, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh và cùng một số đồng chí khác đã họp tại Gia Lâm thành lập cơ quan lãnh đạo Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, lấy tên là “Uỷ ban sáng kiến”. Tháng 8 năm 1937, ông tham dự Hội nghị Trung ương họp ở Bà Điểm, được bầu là Tổng Bí thư.

Ngôi nhà số 80 phố Phan Đình Phùng được xây dựng ngay bên trong nhà tên tư bản Pháp Đơmôngpoda. Từ năm 1936 đến năm 1939, tại gian buồng xép chân cầu thang, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã ở, làm việc và triệu tập Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ nhân lúc tên chủ nhà đi nghỉ mát. Đồng chí Nguyễn Văn Tâm làm bồi bàn ở nhà này, đã bố trí cho đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến ở.

Nhà số 80 phố Phan Đình Phùng hiện nay là trụ sở cơ quan Uỷ ban Dân tộc Miền núi. Năm 2005, nơi đây đã được gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến thời kỳ 1936 - 1939.

Nhà số 57 phố Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, thời kỳ 1936 - 1939 là nhà tên Cambolive (Cămbolivơ), giám đốc trường Kỹ nghệ, đã thuê đồng chí Phạm Văn Ngọc làm bồi bàn. Do được giác ngộ cách mạng, đồng chí Ngọc đã đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến ở và làm việc.

so-nha-57-pho-phan-dinh-phung.jpg
Nhà số 57 phố Phan Đình Phùng ngày nay.

Trong thời gian sống và làm việc tại ngôi nhà số 57 phố Phan Đình Phùng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng đã tổng kết những kinh nghiệm lãnh đạo và đấu tranh của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.

Nối tiếp truyền thống yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các thế hệ cha anh đi trước, hơn 70 năm qua Đảng bộ và nhân dân phường Quán Thánh tiếp tục đoàn kết, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lập nhiều thành tích to lớn. Nhà số 57 phố Phan Đình Phùng là di tích cách mạng kháng chiến quan trọng của Hà Nội thời kỳ 1936 - 1939, là nơi tham quan, nghiên cứu đối với những người quan tâm, yêu mến lịch sử Thủ đô./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)