Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích Nhà bà Hai Nhã (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 01/10/2023 09:54

Nhà bà Hai Nhã hiện nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tại đây, ngày 17/8/1945 Thành uỷ và Uỷ ban khởi nghĩa đã tổ chức Hội nghị mở rộng quyết định ngày khởi nghĩa và kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

di-tich-nha-ba-hai-nha.jpg
Di tích Nhà bà Hai Nhã

Sách: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930 - 2000) của Nhà xuất bản Hà Nội, năm 2004 có viết: “Tối ngày 17/8/1945, tại nhà bà Hai Nhã thôn Dịch Vọng Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), Thành uỷ và Uỷ ban khởi nghĩa đã họp hội nghị mở rộng... Sau khi phân tích tình hình, nhất là căn cứ vào thực tế cuộc biểu tình ngày 17/8/1945, Hội nghị nhất trí nhận định: Tuy giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn về mặt quân sự nhưng lực lượng chính trị quần chúng của ta rõ ràng là mạnh hơn hẳn địch. Phát xít Nhật và bọn phản động không dám can thiệp vào cuộc biểu tình, thái độ nói chung là án binh bất động. Trong khi đó khí thế cách mạng của quần chúng lên cao chưa từng thấy, lôi cuốn cả một bộ phận trong cảnh sát và bảo an ngả theo. Thời cơ đã chín muồi, khởi nghĩa gấp.

Hội nghị cũng dự kiến khả năng xấu: Nếu như quân Nhật gây ra xung đột vũ trang thì ta quyết định đoạt lấy vũ khí, củng cố và phát triển lực lượng, chờ quân giải phóng về cùng phối hợp tiến công chiếm lại thành phố.

Về ngày, giờ khởi nghĩa Hội nghị quyết định lấy ngày 18/8/1945 để hoàn thành thật tốt công việc chuẩn bị. Ngày 19/8/1945, vào quãng 10 giờ (lúc này thành phố có còi 10 giờ) sẽ tiến hành khởi nghĩa, mở đầu bằng cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn thành phố”.

Hội nghị mở rộng của Thành uỷ và Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội tối ngày 17/8/1945 tại nhà bà Hai Nhã đã có một loạt những quyết định vô cùng quan trọng để tiến tới thắng lợi của cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 ở Hà Nội.

Nhà bà Hai Nhã còn lưu giữ được khá nguyên vẹn. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX theo kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp ngói bò, hai đốc mái đắp trụ diêm, phía trước hai hồi và hai trụ biểu kiệu trụ lồng đèn, bốn mặt lồng đèn trang trí chủ đề tứ linh, tứ quý. Thân trụ tạo vuông ba mặt để viết câu đối. Đi vào nhà phải đi qua một cổng sắt nhỏ nằm ở sát tường hồi bên trái của nhà bếp, sau đó đi qua sân để vào ngôi nhà.

Bộ khung nhà được làm bằng gỗ, phân cách thành 5 gian, có 6 bộ vì kèo trong đó 4 bộ vì kết cấu theo kiểu giá chiêng, hai vì gian hồi theo kiểu vì “ván mê”. Lòng nhà, ba gian giữa để thông nhau còn hai gian hồi xây tường ngăn tạo thành hai buồng. Gian buồng bên trái là nơi tổ chức cuộc họp, chính giữa của gian buồng này vẫn còn dấu vết của căn hầm bí mật trước kia. Căn hầm này được đào thông ra khu vườn rộng phía trước và cửa phía bể nước ở sát hồi bên trái của ngôi nhà. Cuối sân sát đường làng có một cửa nhỏ (cửa hậu) mà trước đây thường dùng làm lối thoát của các cán bộ khi bị lộ.

Nhà bà Hai Nhã đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố cho phép gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến năm 1985. Biển bằng chất liệu đá đen với nội dung: “Tại căn buồng trong ngôi nhà này, tối 17/8/1945 Thành uỷ Hà Nội họp Hội nghị mở rộng quyết định ngày khởi nghĩa và kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội tháng Tám năm 1945”. Năm 2002, được Uỷ ban nhân dân Thành phố cho chỉnh trang thay biển mới bằng chất liệu đá granít, màu huyết dụ, phía trên có hình búa liềm, phía dưới có hình hoa sen cách điệu, xung quanh có đường diềm khắc chìm, chữ phủ nhũ vàng. Năm 1995, Uỷ ban nhân dân phường Dịch Vọng cho tu sửa đảo lại ngói, xây lại tường bao xung quanh ngôi nhà./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)