Chuyển động Hà Nội

Huyện Ba Vì (Hà Nội) đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới và kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập

T. Trang 30/09/2023 17:35

Sáng 30/9, huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, Huân chương Lao động hạng Ba và chào mừng Kỷ niệm 55 năm thành lập huyện Ba Vì.

ong-hung.jpeg
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện hiện Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của BCH T.Ư Đảng khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ, sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả toàn diện.

Nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định, huyện Ba Vì cũng gặp không ít khó khăn giai đoạn đầu: bình quân mỗi xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí, cả 31 xã chưa có đồ án quy hoạch xã nông thôn mới, các quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu sự gắn kết và chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thu nhập của Nhân dân còn thấp; số xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cao; tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề kinh tế trong nước, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách của huyện...

Thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, huyện Ba Vì đạt rất nhiều kết quả. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng và phát triển, giai đoạn 2011-2015 tăng 5,9%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,8%/năm.

Những năm qua, huyện Ba Vì đã bố trí và huy động vốn thực hiện đầu tư nông thôn mới với gần 10.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hơn 1.000km đường giao thông, 400km rãnh thoát nước ở khu dân cư; cải tạo, xây mới 230km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường; 208/208 thôn có nhà văn hóa; 28 chợ; 30/30 trạm y tế xã... Từ huyện khó khăn, đến nay, Ba Vì đã có cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, đồng bộ.

Xác định là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, Ba Vì đã có nghị quyết chuyên đề về công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Toàn huyện có 138 sản phẩm được công nhận OCOP.

Với lợi thế về tự nhiên, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch, dịch vụ.

Để nâng cao chất lượng sống cho người dân, huyện đã triển khai phong trào và cuộc thi “Thôn, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”. Đến nay, huyện đã huy động xã hội hóa được hơn 90 tỷ đồng; vận động 294 hộ dân hiến đất mở rộng đường với tổng số 7.974m2, lắp đặt 81.319 đèn chiếu sáng, trồng mới 75.788 cây xanh…

huan-chuong.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Huân chương Lao động Hạng Ba tặng huyện Ba Vì.

Với những kết quả trên, ngày 4-7-2023, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì do có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo và công tác dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 13- 9-2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, sự kiện là niềm vui lớn của huyện Ba Vì nói riêng và TP Hà Nội nói chung, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn do đặc điểm tự nhiên và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của T.Ư, TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, huyện Ba Vì đã rất tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (khóa 15, 16) và Chương trình số 04 của Thành ủy (khóa 17) một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ba Vì có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới, trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,8%...

tuyen.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ đầu tư trục Hồ Tây - Ba Vì. Đây là trục đường được kỳ vọng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại dọc 2 bên tuyến đường, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Tuyến đường sẽ là tiền đề quan trọng để huyện phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, huyện Ba Vì cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, thành phố và huyện; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng…

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện cần tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt nông thôn mới tiếp tục có kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2020-2025, huyện Ba Vì phấn đấu có 13 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, kết hợp thực hiện các chương trình mục tiêu dành cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã được phê duyệt; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn.

Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, chú trọng Quy hoạch, đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm như các di tích Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh với đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và quản lý tốt Vườn Quốc gia Ba Vì...

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn./.

T. Trang