Gợi mở, làm rõ các vấn đề trong quy hoạch Thủ đô
Sáng ngày 29/9, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra hội thảo “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với sự tham gia của hơn 350 đại biểu bao gồm lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các Bộ ngành, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín thuộc các lĩnh vực nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2022-2023, cùng với việc ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, Thành phố Hà Nội đang triển khai rất nhiều công việc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/BCT của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cho đến nay, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan được Thành phố giao lập Quy hoạch Thủ đô đã phối hợp với Liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh), hoàn thành dự thảo 1 quy hoạch. Hiện đang hoàn thiện để thực hiện các bước xin ý kiến đối với quy hoạch theo quy định.
Trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các cơ quan, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ đô Hà Nội có một đặc thù vô cùng thuận lợi mà không có địa phương nào trên cả nước có được, đó là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường Đại học, cao đẳng… đóng trên địa bàn, trong đó có nhiều trường đại học lớn, có bề dày truyền thống phát triển, với hàng nghìn giảng viên, nhà khoa học, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó (số lượng GS -TS, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước).
Trong suốt quá trình phát triển Thành phố luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên của các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực.
Hội thảo “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng chính là phát huy, huy động nguồn lực trí tuệ, chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô cho công tác Quy hoạch Thủ đô nói riêng và xây dựng phát triển Thủ đô nói chung.
Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài viết với nội dung đa dạng, phong phú, có chất lượng cao. Các bài viết tập trung vào 2 tuyến nội dung chính.
Tuyến bài thứ nhất tập trung làm rõ hơn, phát triển thêm những nội dung được đề cập trong Đề cương định hướng Thủ đô. Trong đó, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của “văn hiến – văn minh – hiện đại”, những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô với nhiều gợi ý được đánh giá là xác đáng, có nhiều ý tưởng mới, đột phá, có tính khả thi cao.
Tuyến bài thứ hai đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của Thủ đô. Tuyến bài này có nhiều bài viết với chuyên môn rất sâu về quy hoạch kiến trúc, về không gian ngầm, về phát triển giao thông, xây dựng phát triển đô thị, phát triển rừng trong thành phố... khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, mô hình tăng trưởng kinh tế… và đặc biệt những vấn đề về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Các bài viết đều thể hiện kiến thức sâu rộng, trí tuệ, sâu sắc, tâm huyết với tình yêu Hà Nội của các nhà khoa học, các chuyên gia, có ý nghĩa đóng góp rất lớn đối với chỉ đạo, điều hành, xây dựng phát triển Thủ đô nói chung và quá trình lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng.
Tại hội thảo, PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đại diện đơn vị liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội) đã trình bày một số nội dung chủ yếu của quy hoạch Thủ đô trong đó tập trung làm rõ các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội; thực trạng đô thị, những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô; quan điểm phát triển Thủ đô, mục tiêu phát triển Thủ đô, các khâu đột phá; các phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các giải pháp thực hiện Quy hoạch Thủ đô.
Xoay quanh các các nội dung trong dự thảo quy hoạch Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã có những trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung: Phát triển cải tạo và tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh đô thị trung tâm Thủ đô; Phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của Thành phố Hà Nội để phát triển vùng Thủ đô hiện đại và bền vững; Phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô – nền tảng và động lực cho “văn hiến – văn minh – hiện đại”; Quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô; Không gian nông nghiệp trong định hướng quy hoạch Thủ đô; Tích hợp văn hóa trong quy hoạch đô thị, kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Thủ đô Hà Nội…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định nội dung cuộc hội thảo rất đặc biệt vì bàn câu chuyện hệ trọng, liên quan đến sự phát triển lâu dài của Thủ đô.
“Nếu quy hoạch đúng, trúng thì Hà Nội sẽ trở thành đầu tàu, động lực, dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực phía Bắc trong đó có đồng bằng sông Hồng”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, các ý kiến, tham luận tại hội thảo thể hiện sự tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học dành cho Hà Nội. Trong đó nhiều ý kiến mang tính gợi mở, làm rõ hơn các vấn đề trong quy hoạch Thủ đô. Những ý kiến này giúp có thêm nhiệt huyết, thêm tự tin để tiếp tục các công việc đang triển khai. Thành phố sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra trong hội thảo để bổ sung cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là trong việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô.
Thay mặt Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong ghi nhận và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đồng thời bày tỏ mong muốn sau cuộc hội thảo này sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, học viện, trường cao đẳng trên địa bàn Thành phố để dần hoàn thiện công tác lập quy hoạch Thủ đô./.