Danh thắng & Di tích Hà Nội

Mộ cụ Hai Hiên và đồng đội hy sinh trong vụ “Hà Thành đầu độc” năm 1908 (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 25/09/2023 11:45

Ngôi mộ hiện nay nằm trong vườn nhà cụ Nguyễn Đức Hỷ, xóm 2, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

ha-thanh-dau-doc.jpg
Bia tưởng niệm vụ Hà Thành đầu độc

Cách đây hơn 90 năm, vụ Hà Thành đầu độc nhằm làm tê liệt 2000 binh lính Pháp đóng ở Hà Nội đã gây hoang mang cho giới cầm quyền Pháp trên toàn cõi Đông Dương và là một sự kiện lịch sử rất đáng chú ý trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.

Để phối hợp với các lực lượng nghĩa quân đã được bố trí ở bên ngoài theo một kế hoạch trước nhằm tấn công đánh chiếm lại thành Hà Nội, anh em bồi bếp và binh lính người Việt thuộc trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội (Compagnie d’ouvriers d’artillerie) đã tổ chức đầu độc binh lính Pháp đóng trong thành.

Diễn biến của vụ Hà Thành đầu độc: ngày 27/6/1908, trong bữa ăn tối, toàn bộ binh lính Pháp thuộc Trung đoàn Pháo binh thứ 4 và Trung đoàn Bộ binh thuộc địa thứ 9 đóng ở trong thành Hà Nội đã bị anh em bồi bếp và binh lính người Việt dùng “cà độc dược” đầu độc. Song anh em chưa kịp bắn súng báo hiệu theo như kế hoạch đã định cho các cánh nghĩa quân bên ngoài biết thì đã bị thực dân Pháp tước hết khí giới, tống giam. Nguyên nhân là vì: trước đó ít phút, bọn Nhà Chung đã báo cho bọn chỉ huy quân sự biết một hiện tượng bạo động có thể nổ ra vào đêm 27/6/1908; kết hợp với tin tình báo do Nhà Chung cung cấp là tin binh lính Pháp bị ngộ độc. Bởi vậy, bọn chỉ huy đã hạ lệnh bắt giam toàn bộ binh lính người Việt trong thành.

Tuy cuộc mưu chiếm lại thành Hà Nội không thành công, nhưng vụ Hà Thành đầu độc này đã làm chấn động dư luận lúc bấy giờ. Một số chiến sĩ đã tham gia vụ Hà Thành đầu độc đã bị thực dân Pháp xử chém ở vườn bàng (nay là khu tập thể Cục Xăng dầu của Bộ Quốc phòng). Sau này, khi Tổng đốc Hà Đông cùng với giặc Pháp lấy vườn bàng làm nơi nhuộm thảm, khu mộ được chuyển tới khu đất hiện nay là vườn nhà cụ Nguyễn Đức Hỷ xóm 2, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngôi mộ hiện nay vẫn nằm khiêm nhường ở đầu bờ ao trong khu vườn nhà cụ Nguyễn Đức Hỷ. Ngôi mộ được xây năm 1988 bằng xi măng có chiều dài 3,4m, chiều rộng 1,25m, cao 0,35m, quay về hướng đông. Ngôi mộ gắn tấm bia với nội dung: “cụ Bếp Hiện tức Hai Hiện nghĩa quân Hoàng Hoa Thám bị giặc Pháp giết ngày 7 tháng 10 năm 1907. Lãnh đạo cuộc đầu độc Pháp thành Hà Nội bị bại lộ” (tấm bia có sự nhầm lẫn về năm).

Cụ Hai Hiên tức Bếp Hiên tên thật là Nguyễn Văn Chuyền, quê tại thôn Trung, làng Cao Xã Trung, tổng Sơn Đông, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là Thôn Trung xã Đức Giang huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (hiện nay trong xã có một xóm mang tên Hai Hiện).

Vụ bạo động ngày 27 tháng 6 năm 1908 tuy thất bại, song có một ý nghĩa lớn đối với phong trào yêu nước và giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.

Là di tích duy nhất còn lưu dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, ngôi mộ cụ Hai Hiền và các đồng đội là một chứng tích quý giá cho chặng đường đấu tranh cách mạng của người dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt như vậy, ngôi mộ cụ Hai Hiện và các đồng đội đã được đưa vào danh mục di tích cách mạng của Thủ đô./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)