Bài 2: Bất cập trong bảo vệ quyền tác giả
Tin tức - Ngày đăng : 09:40, 25/06/2022
Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả vẫn đang diễn ra. Nguy hiểm hơn, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sử dụng nhiều chiêu trò, cố tình đánh tráo khái niệm và lách luật để thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền nhằm thu lợi bất chính.
Chung tay bảo vệ bản quyền
Bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật trên không gian mạng là vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Cùng với các cơ quan chức năng, thời gian qua, các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) Phạm Thị Kim Oanh cho hay: Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có những nội dung điều chỉnh về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan tại các trường học; chủ động hỗ trợ các bạn trẻ về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Cục Bản quyền - Bộ VHTT&DL đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước về Internet của WIPO là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việt Nam vừa mới trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7.
Bên cạnh sự chủ động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân cũng tham gia vào việc bảo vệ quyền tác giả. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chia sẻ: VCPMC đang sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại trong quản lý, phát hiện sai phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc.
Trung tâm cũng đã ký hợp đồng song phương với 84 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới, với phạm vi điều chỉnh ở 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, doanh thu của trung tâm khoảng 1.000 tỷ đồng, nộp thuế gần 90 tỷ đồng. Rất nhiều hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng được trung tâm phát hiện và hỗ trợ xử lý.
Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều trang mạng chia sẻ âm nhạc miễn phí do có server đặt ở nước ngoài, việc sao chép, ăn cắp xảy ra ở ngoài phạm vi Việt Nam nên khó để xử lý.
Ước tính thiệt hại từ những vi phạm này là vô cùng lớn. Hàng năm các cơ quan chức năng xử phạt hàng tỷ đồng vì những hành vi vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền riêng tư…
Tuy nhiên, vẫn không thể ngăn chặn hết được các vi phạm. Nhiều vụ kiện về bản quyền như “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Thần đồng Đất Việt”; hay Vietlott bị kiện bản quyền tác giả 30 tỷ đồng… khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên vì sự lắt léo trong các vụ vi phạm tác quyền như thế này.
Quy định lắt léo
Việc xâm phạm quyền tác giả diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường, đặc biệt là tình trạng xâm phạm quyền tác giả. Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đánh tráo khái niệm và sử dụng các chiêu trò lách luật để xâm phạm bản quyền.
Đơn cử như trường hợp của nhạc sĩ Lã Văn Cường, hơn 30 tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác nhưng lại bị đánh dấu là vi phạm bản quyền Youtube.
Nhạc sĩ Lã Văn Cường cho biết những bài hát đó đều do ông bỏ tiền hòa âm, phối khí ghi âm, ghi hình và ca sĩ hát nhưng lại bị các tổ chức, cá nhân lấy, đưa lên mạng mà không xin phép ông. Có tác phẩm của ông khi đưa lên mạng còn bị sửa tên tác giả, tên ca sĩ và thậm chí còn ghi tác giả đã mất.
Bức xúc trước những hành vi xâm phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, nhạc sĩ Lã Văn Cường đã gửi đơn đến Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam (đơn vị mà nhạc sĩ ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm), đề nghị Trung tâm áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết, xử lý những đơn vị chiếm đoạt quyền tác giả của ông.
Nhạc sĩ Minh Châu cũng từng bị cảnh báo vi phạm bản quyền với chính các tác phẩm do ông sáng tác. Ông chia sẻ: “Tôi cũng từng bị BH Media cảnh báo vi phạm bản quyền chính những tác phẩm do tôi sáng tác. Cảm giác đầu tiên khi bị “tố” là tôi thấy mình bị xúc phạm
. Ngay sau khi tôi phản ứng thì đại diện BH Media đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên Youtube của tôi. Nhưng tôi nghĩ đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, nên ai cũng có thể nhận vơ được. Ai cảm thấy bị xâm phạm thì cứ việc lên tiếng, Youtube cứ việc khai thác nếu tác phẩm hay, nhiều người thích, chứ Youtube không có trách nhiệm làm quan tòa phân xử đúng - sai. Ở nước ngoài không có chuyện như vậy. Cái gì của họ, họ mới nhận, không ai đi nhận vơ của người khác, cái đó rất là xấu".
Nghệ sĩ e ngại
Dù vô tình hay cố ý thì việc vi phạm bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật của một bộ phận đang là vấn đề nhức nhối. Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam nhắc lại vụ việc vài năm trước, một thanh niên 19 tuổi quay lén rồi phát trực tuyến phim “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội gây tổn thất cho nhà sản xuất.
Mỗi khi nhớ lại chuyện này, đạo diễn Ngô Thanh Vân lại bật khóc. Ngô Thanh Vân từng trải lòng trên trang cá nhân: “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê kíp mình. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy. Mong hãy giúp report trang phim để những người giết phim Việt như thế này biến mất trên cõi đời này”. Thậm chí, sự việc này còn khiến nữ nghệ sĩ chán nản và nghĩ đến việc ngừng làm phim.
Thực tế, hầu hết các bộ phim của điện ảnh Việt, nhất là những bộ phim được công chúng quan tâm đều bị vi phạm bản quyền. Trường hợp của bộ phim “Bố già”, chỉ trong 24 giờ sau khi được đưa lên ứng dụng xem phim trực tuyến trả phí Galaxy Play, đơn vị phát hành đã phát hiện ra hàng chục đường link phim lậu.
Việc vi phạm bản quyền ngang nhiên khiến các nghệ sĩ rất bức xúc. Song đáng buồn, hầu hết các vụ vi phạm đều “chìm xuồng”. Ngay cả trường hợp của Ngô Thanh Vân, mặc dù tuyên bố sẽ “tuyên chiến tới cùng” với nạn vi phạm bản quyền nhưng rồi cũng phải chấp nhận bỏ qua vì lỗi chủ yếu liên quan tới ý thức của người xem. Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng phức tạp, mức phạt chưa đủ sức răn đe cũng khiến các nghệ sĩ ngại theo đuổi tới cùng.
Những nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) và Hội đồng Anh trong khuôn khổ Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” cho thấy một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo nghệ thuật bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Tuy vẫn có một số lượng người nhất định nhận thức được về những hành vi vi phạm đó, song họ cho rằng sự ràng buộc pháp luật về vấn đề này còn mong manh và chưa dễ gì để có đủ minh chứng truy tố những hành vi sai phạm này.
"Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng là hoạt động đặc thù, đang được sự chung tay thực hiện của Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL cùng các DN, tổ chức, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng, số tiền bỏ ra để sử dụng các nền tảng có bản quyền rất rẻ. Nếu mọi người đều có ý thức không sử dụng sản phẩm bản lậu, thì vấn đề vi phạm bản quyền sẽ bớt dần." - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử
(Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do
(Còn nữa)