Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Yên Mỹ (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 24/09/2023 10:31

Chùa Yên Mỹ có tên chữ là Phúc Nhân tự. Chùa được xây dựng tại thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội nên còn được gọi là chùa Yên Mỹ.

chua-yen-my-gia-lam.jpg
Chùa Yên Mỹ

Yên Mỹ là vùng đất có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời. Chùa Yên Mỹ được xây dựng lên để thờ Phật - một tôn giáo du nhập vào nước ta từ rất lâu đời đan xen với tín ngưỡng thờ Pháp Điện (một trong tứ pháp) của vùng đất Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh xưa. Vì vậy, di tích vừa có nét chung của một ngôi chùa thờ Phật lại có nét riêng khác hẳn với những di tích khác trong vùng. Chính nét riêng đó đã làm nên giá trị phi vật thể đặc biệt của ngôi chùa, giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tìm hiểu về lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của tín ngưỡng thờ tứ pháp trên đất nước ta. Sự tích về tứ pháp được ghi lại trong rất nhiều sách. Những tài liệu Lĩnh Nam chích quái, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh lục ngữ, Pháp Vân thánh liệt... đều cho rằng: “Vào khoảng cuối đời Tây Hán có nhà sư Tây Trúc là Khâu Đà La vân du tới trụ sở của Sỹ Nhiếp ở thành Luy Lâu, được một người mộ đạo mời về nhà mình ở Siêu Loại. Nhà có cô con gái 20 tuổi là Man Nương. Hàng ngày Khâu Đà La vẫn giảng giải về giáo lý đạo Phật và còn dạy cho nhà Man Nương và dân làng tìm mạch đào giếng để lấy nước ăn. Sau đó không bao lâu, tự nhiên Man Nương mang thai sinh con gái. Man Nương bế con vào rừng tìm Đà La để trả đứa bé. Đà La đặt tên đứa bé là La Từ rồi niệm thần chú cho một cây đại thụ tách làm đôi và đặt con vào trong đó. Sau đó cây đại thụ đó bị bão giật đổ, nước lũ cuốn trôi đến thành Luy Lâu. Dân trong vùng thấy cây gỗ toả ánh hào quang và mùi thơm ngát bèn tâu với Sỹ Nhiếp. Sỹ Nhiếp sai lực sĩ kéo lên bờ nhưng không sao kéo được. Vừa lúc ấy Man Nương đến và chỉ đẩy nhẹ là cây gỗ tự lăn lên bờ. Đêm ấy Sỹ Nhiếp nằm mơ thấy thần nhân ngỏ ý muốn tạc tượng thờ. Sáng hôm sau, ông sai người xẻ cây gỗ làm tư, tạc làm 4 pho tượng. Năm ấy, hạn hán rất to, bèn đem 4 pho tượng ấy ra để làm lễ cầu đảo. Lễ xong liền thấy mây đen kéo đến, mưa to để xuống trong sấm rền chớp giật. Do vậy Sỹ Nhiếp đặt tên cho 4 pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện”. Pháp Điện là vị thần đại diện cho phép làm ra chớp. Các nhà nghiên cứu lý giải: Pháp là phép, vận là mây, vũ là mưa, lôi là sấm, điện là chớp. Pháp Vân là phép làm ra mây, mây sinh ra sấm chớp, sấm chớp lại gọi mưa về cho người dân cấy cầy, cho cây cối tốt tươi báo hiệu một mùa màng bội thu của cư dân trồng lúa nước.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Yên Mỹ được xây dựng khá sớm trong quy hoạch chung về kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền làng xã Việt Nam. Hiện nay không còn nguồn tư liệu nào ghi chép lại niên đại xây dựng chùa. Năm tháng và chiến tranh đã làm mất đi kiến trúc vốn có cổ xưa của di tích. Căn cứ vào dòng niên đại ghi trên quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị nguyên niên 1841 và qua hệ thống tượng thờ có thể đoán định chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Chùa Yên Mỹ được chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 1992. Năm 2003, xây nhà Mẫu; năm 2004, xây thêm một gian phụ sát với chùa chính đặt bàn thờ Địa Tạng vương Bồ tát.

Chùa Yên Mỹ được xây dựng trên một khuôn viên rộng, thoáng đãng, có ao phía trước và nằm sau ngôi đình cổ kính, giữa khu vực cư trú của làng. Mặt bằng di tích bao gồm chùa chính hình chữ “đinh” và nhà Mẫu nằm bên trái sau chùa.

Tiền đường là một nếp nhà ngang 3 gian hẹp lòng. Chính giữa bờ nóc đắp một biển hình chữ “nhật” ghi tên di tích bằng ba chữ Hán lớn “Phúc Nhân tự”. Thượng điện là một nếp nhà dọc, một gian nối liền thông với Tiền đường. Tường hậu phía sau mở một cửa nhỏ để xuống nhà Mẫu.

Chùa Yên Mỹ hiện còn lưu giữ được nhiều di vật mang giá trị nghệ thuật cao như: Chuông đồng Thiệu Trị nguyên niên (1841), bát hương cổ... Đặc biệt là hệ thống tượng thờ trong đó có tượng Pháp Điện.

Chùa Yên Mỹ đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)