Chuyển động Hà Nội

Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo chủ động, linh hoạt trong quản lý, thực hiện quy hoạch

Thu Trang 21/09/2023 09:30

Việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

ha-noi.jpeg
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định, quy chế đặc thù để xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội hơn nữa.

Về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, dự thảo Luật phân quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch.

Với quản lý, sử dụng đất đai, theo tờ trình, dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định việc cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hằng năm có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất với các điều kiện cụ thể.

Về tài chính, ngân sách, dự thảo Luật cho phép thành phố Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời.

Đáng chú ý, đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô.

Quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD.

Tiền thu được sẽ để đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga. Quy định này nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và hệ thống giao thông.

Bên cạnh đó, cho phép thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội.

Chính phủ cho phép Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công.

Chính phủ cũng đề xuất phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; các dự án liên tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500ha hoặc quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên.

Đồng thời, để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tại Thủ đô, dự thảo Luật cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Bố cục của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012). Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý, điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, dự thảo Luật Thủ đô bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.

Thu Trang