Chuyển động Hà Nội

Đề xuất bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội

Đình Thế 22/09/2023 19:37

Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện.

cp.jpeg
Cần quy định cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ quan hành chính Nhà nước cấp dưới để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Dự kiến, vào ngày 29/9/2023, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân (số 207 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo khoa học "Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Với chính quyền Thủ đô, Chính phủ đề xuất không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3)…

Dự thảo luật cũng quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, như tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, dự thảo Luật quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô, trong đó có một số nội dung đặc thù như: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Dự thảo Luật quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Để giải quyết các khó khăn, bất cập hiện nay khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thì phường không còn là một cấp ngân sách, dự thảo Luật bổ sung quy định dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh...

Chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng có điểm mới ở lần sửa đổi này.

Cụ thể, Dự thảo quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Đình Thế