Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Xuân Canh (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 21/09/2023 15:19

Chùa Quan Âm có tên chữ là Quan Âm tự và tên địa danh là “chùa Thượng Lão” hiện ở thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội.

chua-xuan-canh-da.jpg
Chùa Xuân Canh

Xuân Canh xưa là vùng đất cổ nằm trong xứ Kinh Bắc - một trung tâm Phật giáo sớm nhất ở nước ta cũng đồng thời là vùng đất nổi tiếng văn hiến của đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Trong hệ thống di tích hiện có ở Xuân Canh, chùa Quan Âm là một trong những di tích có niên đại tạo dựng sớm mà vẫn giữ được những di vật quý cũng như giá trị kiến trúc, điêu khắc riêng của chùa. Về niên đại cụ thể việc xây dựng chùa thì hiện nay không còn tài liệu thành văn nào ghi lại, song căn cứ vào tấm bia đá “Quan Âm tự bi” có niên đại Vĩnh Trị 5 (1680) đã ghi rõ: “thôn Thượng Lão, xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có cổ tích danh lam là chùa Quan Âm”. Như vậy có thể thấy chùa Quan Âm đã được xây dựng vào trước đó.

Ngoài thờ Phật, trong chùa cũng có điện thờ Mẫu và phối thờ những người có nhiều công đức với làng, với chùa.

Chùa Quan Âm trước đây có quy mô kiến trúc lớn nổi tiếng một vùng, theo sự mô tả trong tấm bia “Quan Âm tự bi” (1680) thì trước kia chùa Quan Âm có quy mô khá bề thế và hoàn chỉnh. Qua năm tháng, chùa Quan Âm ngày nay tuy không còn giữ được quy mô kiến trúc như ban đầu song mặt bằng quy hoạch của chùa vẫn còn khá hoàn chỉnh với các kiến trúc chính gồm: cổng, chùa chính, nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách.

Cổng chùa được xây bằng gạch đơn giản với hai cột trụ vuông, hai bên cổng, phía ngoài tường bao có đôi nghê đá. Chùa chính có kết cấu chữ “đinh”, gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.

Toàn bộ kiến trúc của chùa Quan Âm hiện còn là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm Khải Định thứ 5 (1920), vì thế kiến trúc ngôi chùa mang nhiều nét phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống thời Nguyễn.

Chùa Quan Âm hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý, trong đó tiêu biểu nhất là hệ thống tượng với 41 pho tượng tròn gồm 35 pho tượng Phật, 3 pho tượng Mẫu và 3 pho tượng Tổ. Ngoài ra, chùa cũng còn nhiều di vật khác như bia đá, phù điêu, nghê đá, chuông đồng cùng nhiều đồ gỗ khác.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2000./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)