Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Xuân Đỗ Hạ (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 21/09/2023 11:54

Chùa Xuân Đỗ Hạ, hiện nay thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.

chua-xuan-do-ha.jpg
Chùa Xuân Đỗ Hạ

Chùa còn có tên chữ là Sùng Phúc tự.

Làng Xuân Đỗ có tên nôm là Đậu Hạ, tên chữ là Hoa Động và tên gọi cổ là Xuân Đỗ Trung vốn là đất bãi của sông Hồng, khoảng thế kỷ XV, XVI gọi là bãi Xuân Đỗ.

Bãi Xuân Đỗ từng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà. Vào năm 1523, nhà Lê đã tổ chức khoa thi Tiến sĩ tại nơi đây. Vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Hoàng Đệ Xuân (1522 - 1527) đã xây dựng Hành cung, lập triều chính trên địa phận của làng để tránh sự kiểm soát, lấn át của vương thần Mạc Đăng Dung.

Theo bài văn bia dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cho biết, ngôi chùa có tiền thân là một am thờ Tổ, sau do nhu cầu tín ngưỡng được mở rộng thành chùa thờ Phật, có quy mô bề thế như hiện nay. Bài văn khắc trên chuông đồng treo ở gian bên phải nhà Tiền đường đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1793) có ghi: “Chùa Sùng Phúc ở thôn Hoa Động, xã Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm, từ xưa vẫn có một quả chuông lớn nhưng bị hỏng, nay toàn dân cũng đóng góp tiền của đúc lại chuông”. Từ 2 nguồn tư liệu nêu trên có thể đoán định được niên đại xây dựng ngôi chùa khoảng thời hậu Lê, đến thời Tây Sơn được tu sửa lại.

Trải qua một thời gian dài tồn tại và qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, chùa Xuân Đỗ Hạ cũng thay đổi theo năm tháng và ngôi chùa hiện nay là sản phẩm mang nhiều dấu ấn của những lần trùng tu vào thời Nguyễn. Trong những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Xuân Đỗ Hạ còn là một cơ sở cách mạng trong vùng. Sư ông Bích trông nom chùa lúc đó là một liên lạc viên giữa huyện và xã, đã từng ra vận động sư các chùa gây dựng cơ sở cách mạng, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ về địa phương hoạt động diệt tề, trừ gian, giữ vững cơ sở.

Chùa Xuân Đỗ Hạ toạ lạc trên một khu đất cao, rộng thoáng giữa khu vực trung tâm của làng. Tổng thể công trình kiến trúc của chùa được bố cục hài hoà trong một không gian rộng. Những nếp nhà cổ được xây dựng ngang dọc kế tiếp nhau gồm: Toà Tam bảo kết cấu kiểu chữ “đinh”, nhà thờ Tổ, điện thờ Mẫu, trai phòng và vườn tháp mộ sự.

Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ được bộ sưu tập di vật văn hoá khá phong phú và đa dạng về loại hình và chất liệu như: 13 tấm bia đá có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVIII, XIX, XX. Tấm bia có niên đại sớm nhất dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Những tấm bia còn lại thuộc thời Nguyễn.

Chùa có 2 quả chuông đồng, trong đó một chuông lớn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794); chuông nhỏ niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (1935); 32 pho tượng tròn sơn son thếp vàng có niên đại tạo tác thuộc thế kỷ XVIII, XIX, 1 khám thờ; 2 cỗ ngai thờ; 2 bức hoành phi; 4 đôi câu đối sơn thếp vàng.

Chùa Xuân Đỗ Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)