Văn hóa - Xã hội

Tết Trung thu truyền thống "Trăng Ta – Đường về trăm năm"

Văn Thiện (T/h) 19:48 21/09/2023

Được định vị là “Bảo tàng của tương lai”, nơi thẩm thấu các giá trị đương đại giúp phát huy những giá trị tinh hoa văn hoá truyền thống, hàng năm Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức hàng trăm hoạt động văn hoá, nghệ thuật và được các chuyên gia, giới tinh hoa trí thức đánh giá cao về mặt nội dung cũng như cách trưng bày sáng tạo, độc đáo...

p1047634.jpg
Không gian triển lãm “Trăng ta – Đường về trăm năm” rực rỡ sắc màu với điểm nhấn là chiếc đầu sư tử – món đồ chơi đậm hồn Việt có tuổi đời gần 100 năm. (ảnh: dangcongsan.vn)

Triển lãm “Trăng ta – đường về trăm năm” được Bảo tàng Thế giới Cà phê kết hợp với Nhà nghiên cứu mỹ thuật Kevin Vương cùng tổ chức để chào đón mùa trăng tròn – mùa Trung thu tổ chức từ ngày 16/8/2023 đến ngày 8/10/2023.

Lễ khai mạc đã đón hàng trăm em thiếu nhi và các chuyên gia văn hoá tại Đắk Lắk tới tham quan, trải nghiệm.

Với định vị là Trung tâm sáng tạo nghệ thuật khôi phục truyền thống văn hóa của dân tộc, Triển lãm chuyên đề “Trăng Ta – Đường về trăm năm” đã mang đến cho du khách cùng các em thiếu nhi nhiều hoạt động văn hóa, trải nghiệm đặc sắc, ý nghĩa. Đặc biệt, các em thiếu nhi có dịp giao lưu với nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nhật Vương, tìm hiểu về chiếc đầu sư tử được phục chế từ cùng với trải nghiệm vẽ mặt nạ đầu sư tử thủ công.

Trong văn hoá truyền thống của người Việt, Tết Trung thu là ngày lễ ý nghĩa, nhắc nhớ về những ngày sum họp, đoàn viên của gia đình và là dịp để các em thiếu nhi tìm hiểu về bản sắc, văn hóa dân tộc. Trong ký ức của nhiều người Việt, mùa trăng tròn Trung thu đến cũng là lúc những người ông, những người cha sẽ làm chiếc đèn kéo quân thủ công trong sự háo hức, chờ đợi của trẻ nhỏ; còn những người bà, người mẹ sẽ bày mâm cỗ truyền thống đặc sắc với những quả bưởi đào, quả hồng, lựu, na, cốm, bánh nướng đậu xanh trứng muối,… - những món mà hầu hết đứa trẻ nào cũng yêu thích.

Điểm nhấn của triển lãm chính là chiếc đầu sư tử trong văn hoá Bắc Bộ được phục dựng lại theo nguyên mẫu có từ đầu thế kỷ XX. Khác với cách tạo hình vuông vức hay tròn, dẹt, chiếc đầu sư tử của miền Bắc Việt Nam có trán nhô lên theo chiều dọc, hai má bạnh, hàm mở rộng, hàm dưới có thể lật mở với một chòm râu dài. Đặc biệt đôi mày sư tử được tạo hình cá chép đặc sắc, giúp liên tưởng tới tích "Cá chép vượt vũ môn hóa rồng". Hình tượng cá chép hóa rồng phun nước làm cho đất đai màu mỡ, xanh tươi, đem lại sức sống cho muôn loài - cũng là ý nghĩa căn bản khởi thủy cho Tết Trung thu ở Việt Nam.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đã giúp nhiều bạn trẻ, những nhà nghiên cứu văn hoá có thể giới thiệu tác phẩm như: bộ sưu tập lồng đèn Lý ngư hóa Long được phục dựng theo mẫu lồng đèn truyền thống có từ thời kỳ nhà Nguyễn; tổ chức và giúp các em thiếu nhi làm lồng đèn thủ công, nặn tò he cùng nghệ nhân,… Ngoài dịp Tết Trung thu, các em và các bậc phụ huynh cũng như cộng đồng du khách còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như thả diều – thả ước mơ, trải nghiệm nghệ thuật xếp giấy origami Nhật Bản,…

Theo chia sẻ của Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Kevin Vương, trong một lần ghé thăm bảo tàng Quai Branly ở Paris, anh đã vô cùng xúc động khi được chạm vào “chiếc đầu sư tử” – một món đồ chơi dành cho thiếu nhi có tuổi đời ngót nghét 100 tuổi đã từng có ở Hà Nội, Việt Nam vào những năm 1920, nay lại ở trên nước Pháp. Với trăn trở “những mong đưa trăm năm về lại...”, anh đã dành thời gian phục dựng chiếc đầu sư tử với đôi mày cá chép, để đưa những món đồ chơi mang đậm hồn Việt xuất hiện trên tay trẻ con mỗi mùa trăng lên, và để những giá trị văn hoá dân gian của dân tộc sẽ mãi được lưu giữ, lan tỏa.

Được định vị là “Bảo tàng của tương lai”, nơi thẩm thấu các giá trị đương đại giúp phát huy những giá trị tinh hoa văn hoá truyền thống, hàng năm Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức hàng trăm hoạt động văn hoá, nghệ thuật và được các chuyên gia, giới tinh hoa trí thức đánh giá cao về mặt nội dung cũng như cách trưng bày sáng tạo, độc đáo. /.

Văn Thiện (T/h)