Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Văn Điển (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 19/09/2023 11:39

Chùa Văn Điển có tên chữ là Quang Minh tự, hiện nay thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Lê Trung hung.

chua-van-dien-tt.jpg
Chùa Văn Điển

Văn Điển là một làng cổ ở phía nam kinh thành Thăng Long. Trước năm 1945 là xã Văn Điển, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì. Di chỉ trong khu nghĩa trang Văn Điển, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì khai quật năm 1962 với diện tích 800m. Tầng văn hoá dày 1,65m với 3 lớp. Hiện vật có: đồ đá như rìu, bàn mài đục, mũi tên và đồ trang sức; đồ gốm gồm bị, dội xe chỉ, các loại đồ đựng có độ nung từ 700 độ C - 800 độ C. Trang trí với nhiều hoa văn đẹp, trong đó có một tượng hình người. Văn Điển thuộc hậu kỳ đồ đá mới, loại hình văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên.

Chùa Quang Minh hiện còn 62 pho tượng, 4 bức hoành phi, 6 câu đối, 1 quả chuông đồng lớn, 2 tấm bia đá ghi tên những người đã góp công đức xây dựng chùa. Các bức tượng Phật được bố trí chặt chẽ theo nguyên tắc của nhà Phật. Bên phải Tiền đường là tượng Đức Ông và 2 vị Thị giả, bên trái là tượng đức Thánh Hiền cùng Diệm Nhiên và Đại Sĩ, giữa Tiền đường là 2 vị Hộ pháp.

Thượng điện có 4 lớp tượng. Ở vị trí cao nhất là bộ Tam thế kiết già ngồi trên đài hoa sen. Tiếp đến là A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Lớp thứ ba thờ Phật Thích Ca thuyết pháp, tay cầm hoa sen nên gọi là Thế Tôn niêm hoa. Lớp thứ tư thờ phía trên là Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, phía dưới là Phạm Thiên, rồi đến toà Cửu long.

Chùa Quang Minh được xây dựng trên một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với lịch sử đất nước từ cổ đến hiện đại.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)