Mê Linh (Hà Nội): Tổ chức Hội thảo góp ý dự án đường Vành đai 4
Sáng 19/9, thực hiện Văn bản số 2583/MTTQ-BTT ngày 8/9/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về tác động của việc thực hiện Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự Hội nghị gồm có đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; Hoàng Văn Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND Huyện; lãnh đạo Trung tâm phát triển Quỹ đất Huyện; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện Mê Linh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội; Tổng Công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải TEDI.
Đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã Kim Hoa, Chu Phan, Đại Thịnh, Văn Khê, Thanh Lâm; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận và đại diện hộ gia đình các thôn có đường Vành đai 4 đi qua.
Thông tin tại Hội nghị, đồng chí Lê Tuấn Tú - Phó trưởng Phòng thực hiện dự án 2 - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: Dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án đầu tư quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, tính chất phức tạp, đi qua nhiều địa phương, giao cắt nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện trạng (đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt…) và liên quan đến nhiều quy hoạch (đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị,…), trên tuyến bố trí nhiều công trình cầu vượt sông lớn, áp dụng nhiều giải pháp thiết kế, giải pháp kỹ thuật; liên quan đến các Dự án thành phần đường song hành hai bên…
Dự án đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, bao gồm 07 Dự án thành phần do UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản - cơ quan có thẩm quyền, trong đó 03 Dự án đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 03 Dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 01 Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.
Theo đại diện đơn vị tư vấn, dự án có tổng chiều dài 112,8km (103,1km Vành đai 4 và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long dài 9,7km để khép kín; điểm đầu tại Km0=Km3+695 cao tốc Hà Nội - Lào Cai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối tại Km40+500 cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, địa phận Hà Nội là 57,95km; Hưng Yên là 19,31km; Bắc Ninh là 26,56km và 9,7km tuyến nối.
Đến nay, nhóm dự án thành phần số 1 (giải phóng mặt bằng theo đầu tư công) và số 2 (xây dựng đường song hành theo đầu tư công), công tác chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành. Riêng nhóm dự án thành phần số 1 đã đạt trên 84%. Nhóm dự án 2 khởi công từ 25/6/2023.
Nhóm dự án thành phần số 3 (làm đường cao tốc lõi) theo phương thức đối tác công tư (PPP), Hội đồng thẩm định Nhà nước đã họp và cơ bản thông qua nội dung đầu tư theo hình thức này. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 56.000 tỷ đồng, thời gian thu phí 25 năm.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện dự án này rất cần thiết, giúp cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ách tắc đường Vành đai 3, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương lân cận thuộc Vùng Thủ đô.
Để dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, nhất là khi Dự án Thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP, cần xem xét kỹ lưỡng về các bài toán liên quan đến hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian.
Trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Quách Sỹ Dũng - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Quản lý Đô thị Huyện cho biết: Nhóm dự án thành phần số 3 (làm đường cao tốc lõi) theo phương thức đối tác công tư (PPP) với quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh rộng từ 90 m đến 135 m; Đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 04 làn xe với chiều rộng từ 17,0 -17,5m, các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống bề rộng cầu 24,5m, đầu tư 08 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng trong đó có nút giao trục Mê Linh. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giao thông giữa huyện Mê Linh với các Quận, Huyện và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, đồng chí Trưởng phòng Quản lý Đô thị Huyện cho rằng việc đầu tư Dự án theo hướng tuyến mới, song hành với các tuyến đường hiện hữu, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường song hành hai bên đường cao tốc, kết hợp với bố trí hệ thống cầu vượt ngang, hầm chui dân sinh các đoạn đi thấp sẽ giảm thiểu tối đa tác động đến cộng đồng, dân cư trong phạm vi Dự án tạo ra một không gian phát triển mới, rộng lớn để kéo dãn mật độ dân cư, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về xã hội và môi trường; việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực nút giao; việc bố trí nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của huyện Mê Linh. Trong đó, nghiên cứu, xem xét để giải quyết hợp lý đối với nút giao cắt giữa các đường cao tốc; nút giao liên thông; kết nối hạ tầng khác và kết nối phục vụ dân sinh.