Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Vạn Bảo (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 19/09/2023 09:33

Chùa Vạn Bảo còn có tên gọi khác là chùa Vạn Ngọc được xây dựng trên đất của châu Vạn Bảo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, nay thuộc làng Vạn Ngọc, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội.

chua-van-bao-th.jpg
Chùa Vạn Bảo

Xưa chùa có tên là Linh Sơn. Thời Lê (1725), chùa có tên là Linh Am tự, sau đổi Vạn Bảo. Vạn Ngọc là tên thường gọi theo địa danh của thôn. Hiện nay trong chùa còn lưu giữ bức đại tự ghi: “Kim Quang tự”.

Như vậy, từ khi khởi dựng đến nay chùa có tên gọi: Linh Sơn tự, Linh Am tự, Vạn Bảo tự, Kim Quang tự.

Văn khắc trên cây hương đá “Kính Thiên” dựng ở trước sân chùa ghi rõ: “Ngày lành tháng 11 niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ ba (1731)”. Văn khắc trên còn cho biết họ là đệ tử của dòng thiền Trúc Lâm.

Theo tấm bia “Nguyễn lệnh công lưu trạch bi” khắc vào ngày lành tháng 10 năm Ất Tỵ niên hiệu Bảo Thái thứ sáu (1725) thì chùa Linh Am đã được dựng từ trước. Tới thế kỷ XVIII, năm 1725 có ông quan viên người bản châu là Tiến công thứ lang chức Tàm Tang sở sứ Nguyễn Duy Bảo, tên tự là Phúc Thọ, tên huý là Điền, cùng bà chính thất là Nguyễn Thị, huý Tiến, hiệu Chức, đem lòng từ tâm tìm tới chùa Linh Am, thấy chùa có quy mô nhỏ hẹp, đã thuê thợ giỏi, dựng thêm phòng hậu cung, tô lại 5 pho tượng Phật.

Trải qua thời gian, ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Hiện nay trên câu đầu vì thứ hai của nhà Thượng điện có ghi dòng chữ Hán “Thành Thái thập tam niên (1901)”. Điều đó cho chúng ta biết thêm một đợt trùng tu, sửa chữa Thượng điện vào đầu thế kỷ XX. Dấu ấn của đợt trùng tu này còn in khá đậm trên di tích. Đợt tu sửa gần đây nhất vào cuối những năm 1980.

Đạo Phật được du nhập vào nước ta từ những năm đầu Công nguyên, phát triển mạnh vào thời Lý, Trần. Những người tu đạo Phật theo tông phái Thiền Tông cùng nhau dựng cây hương đá “Kính Thiên”, năm Vĩnh Khánh thứ ba (1731) với ý nghĩa gìn giữ nề nếp, tập tục, sự phồn vinh của giáo lý nhà Phật. Từ những tư liệu trên cho thấy chùa Linh Am rất có khả năng được xây dựng vào thời Lý - Trần.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại sự kiện năm 1518 thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522): Mạc Đăng Dung lộng quyền ép vua giết các quan võ đã có công đánh giặc bảo vệ thành Thăng Long, khiến nhiều vị tướng nổi giận dấy quân vây thành Thăng Long. Mạc Đăng Dung bèn đưa vua ra Vạn Bảo châu nhưng Lại bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử Đỗ Nhạc và phó Đô ngự sử Nguyễn Dự khuyên vua không nên đi mà ở lại phủ dụ các tướng cho yên. Mạc Đăng Dung bèn cho các tướng giết chết hai quan đại thần rồi đưa nhà vua ra Vạn Bảo châu. Sau khi nhà vua ra Vạn Bảo châu, các tướng lập Tĩnh tu công là Lộc lên làm vua. Lê Chiêu Tông chạy ra Vạn Bảo ẩn nấp ở chùa này.

Đặc biệt hơn, chùa còn là cơ sở cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Vào những năm 1942 - 1943, chùa là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của liên xã gồm ba xã Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân.

Thời kỳ toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, chùa Vạn Ngọc được chọn làm điểm trung chuyển đón tiếp thương binh sau những trận chiến đấu ác liệt từ nội thành khu A, rồi sau đó chuyển về hậu cứ. Đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946 có thương binh hy sinh vì vết thương quá nặng được chôn cất ở chùa. Tính đến ngày mùng 4 tết năm 1947, số chiến sĩ qua đời tại đây đã lên tới 40 người.

Cùng thời gian này chùa còn là địa điểm chỉ đạo hoạt động của công an huyện Trấn Tây (sau đổi là công an quận V), năm 1958 đổi là công an huyện Từ Liêm.

Chùa Vạn Ngọc nằm ở ven đê sông Hồng, nhìn về hướng tây nam. Các công trình kiến trúc hiện còn của chùa gồm cổng Tam quan, chùa chính kết cấu kiểu chữ “đinh”, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu.

Hiện nay tại chùa Vạn Ngọc còn gìn giữ được bộ sưu tập di vật có giá trị nghệ thuật cao của thế kỷ XVII, XVIII, XIX như: 20 pho tượng tròn được phủ sơn son thếp vàng lộng lẫy: một quả chuông Vạn Bảo tự chung đúc năm Gia Long thứ 13 (1814), chuông cao 1,23m, đường kính rộng 62cm, quai chuông trang trí hình rồng, bốn chữ tên chuông khắc trong hình lá đề, chuông có bốn núm. Di vật bằng đá cần được quan tâm là cây hương Kính Thiên dựng năm Vĩnh Khánh thứ ba (1731), cây hương có mặt cắt ngang hình vuông cao 1,6m, rộng 20cm. Trên cùng là bát hương đá, dưới riềm trang trí hình hoa văn lá sòi, bốn mặt đều khắc chữ, riềm bên trang trí hoa văn thực vật, riềm trên chạm hình cánh sen. Năm tấm bia đá, trong đó một bia “Nguyễn lệnh công lưu trạch bi”, bia cao 1,02m, rộng 62cm.

Chùa Vạn Ngọc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)