Tác giả - tác phẩm

Có một Hà Nội lãng mạn và nhân hậu trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai

ThS. Hoàng Khánh Duy 07:32 20/09/2023

Trong trái tim mỗi người, Hà Nội luôn đẹp theo những cách khác nhau. Nhiều nhà thơ đã viết về Hà Nội với một tình yêu mãnh liệt, sự biết ơn và tấm lòng gắn bó với thủ đô. Trong số đó có Nguyễn Phan Quế Mai. Đọc thơ chị, độc giả hình dung đầy đủ về một Hà Nội lãng mạn và nhân hậu, về hồn cốt của vùng đất ngàn năm văn hiến. Hà Nội với vẻ đẹp của tự nhiên, sự thanh lịch và nhân hậu của con người cùng những trầm tích văn hóa đã nuôi lớn tâm hồn của Nguyễn Phan Quế Mai, đánh thức những chữ nghĩa trong chị và từ đó những vần thơ đẹp về đất và người Hà Nội được sinh thành

nguyen-phan-que-mai.jpg

Nguyễn Phan Quế Mai sinh ra ở đất cố đô Ninh Bình, lớn lên ở “xứ cơ cầu” Bạc Liêu, trưởng thành tại Hà Nội và hiện đang định cư ở một đất nước xa xôi khác. Dù “không được sinh ra và lớn lên trong Hà Nội” nhưng thành phố này đã gọi thức mỹ cảm trong chị, trở thành nơi để chị trưởng thành và chứng kiến những điều tử tế mà chị đang làm.

Nguyễn Phan Quế Mai viết về Hà Nội nhẹ nhàng như gió mùa thu, êm dịu như mặt nước Tây Hồ và quyến rũ như những đêm lung linh giữa lòng phố cổ. Cảm thức Hà Nội bao giờ cũng âm ỉ trong trái tim của chị, và đôi khi nó cuộn lên như những con sóng buộc chị phải viết về Hà Nội như một cách để trả ơn. Mặc dù Nguyễn Phan Quế Mai sử dụng kiểu câu thơ dài hơi, song chị không rơi vào miêu tả mà chủ yếu là gợi lại hồn cốt của bốn mùa Hà Nội bằng những tín hiệu đẹp:“Hồ Gươm Hồ Tây Hồ Ngọc Khánh những mặt hồ sóng sánh đổ vào tôi ánh sáng/ Di cư vào tôi những đỏ trắng tím hồng của hoa phượng, loa kèn, bằng lăng, sen ngát/ Du mục vào tôi chợ hoa đêm Quảng Bá những vầng nón lá sáng vầng trăng/ Bãi sông Hồng cong dáng em thiếu nữ mùi hoa sữa vương mềm tóc…” (Hà Nội). Những tên chợ, tên sông, tên hồ, tên phố của Hà Thành, những loài hoa là sứ giả của mùa hạ (hoa phượng, loa kèn, bằng lăng, sen) và mùa thu (hoa sữa) nghiêng nghiêng trong câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, khiến độc giả hình dung ra một Hà Nội rực rỡ sắc hoa, nồng nàn hương thơm theo từng mùa riêng biệt.

Đọc thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhất là chùm thơ ba bài: Hà Nội, Những ngôi sao hình quang gánh, Ta phố (chùm thơ đoạt giải Nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội” năm 2010), đọng lại trong lòng độc giả là hình ảnh của những con phố cổ nằm im lìm dưới sự chuyển xoay vần vũ của thời cuộc. Những gánh hàng rong, những chiếc xe đạp chở đằng sau lỉnh kỉnh hoa hay những loại trái cây hút phù sa đất Bắc trên phố Phan Đình Phùng từ lâu đã ký họa vào bức tranh Hà Nội một nét riêng vừa dung dị vừa nên thơ. “Họ gánh về cho tôi những mùa ổi mùa xoài mùa mận/ Mùa sen mùa cốm trên vai/ Họ gánh về cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa tôi sẽ quên nếu không có họ/ Hương nhãn Hưng Yên vừa vào mùa, sen Tây Hồ vừa nở, cốm làng Vòng vừa trăn trở những hạt xanh (Những ngôi sao mang hình quang gánh).

que-mai-2.jpeg

Những câu thơ trên là một phác họa về phố phường Hà Nội. Gánh hàng rong trên con phố giữa Hà Nội phồn hoa đã chở cả đặc trưng mùa và tinh hoa đất Bắc, quy tụ tại nơi này tất cả mọi sản vật độc đáo của đồng bằng sông Hồng và những vùng lân cận. Nghệ thuật liệt kê liên tiếp và những câu thơ hạn chế chấm phẩy đã mở ra một giai điệu đuổi nhau, từ đó hiện ra trước mắt độc giả là muôn vàn vẻ đẹp của Hà Nội, trong bức tranh thơ ấy còn man mác cả hương thơm ngọt ngào của bốn mùa. Hà Nội tự nó trở thành một bài thơ đẹp, trong lãng mạn có sự mộc mạc, trong dung dị có chút gì kiêu sa, khiến ai cũng muốn: “Chạm môi lên mùa/ Lá vàng lộc biếc/ Mình ta xao xác/ Giữa mùa kiêu sa” (Ta phố).

Truyền thống văn hóa ở mảnh đất Hà Nội rất độc đáo, đó là sự hòa quyện giữa văn hoá phố và văn hóa làng, là những làng nghề trăm năm được cất giấu trong lòng phố, những giá trị văn hóa nghệ thuật, những món ăn ngon, những chùa chiền, đền đài, lăng tẩm, phố cổ… Nhìn vào chiều sâu văn hóa của Hà Nội, Nguyễn Phan Quế Mai không kể ra hay mô phỏng từng giá trị văn hóa cụ thể bởi những điều ấy đã được các học giả ghi chép rất cẩn trọng. Vẫn là thao tác quen thuộc dễ bắt gặp trong thơ chị: phác họa - những giá trị văn hóa Hà Thành bỗng chốc được đánh thức và rạng ngời trên trang thơ. Đó là 36 phố phường Hà Nội - giá trị văn hóa ngàn năm của kinh thành Thăng Long: “Cửa Ô vào đêm mở ra lối nhỏ ảo mờ sương phủ lạc bước người về/ Ba mươi sáu phố dẫn về ngực Tháp Rùa” (Hà Nội). Đó là “Hồng Hà phù sa ta” (Là Việt) - cái nôi nuôi dưỡng nền văn hóa Việt Nam chảy êm đềm dưới chân cầu Long Biên lịch sử. Đó là “hình hài phố cũ nắng ngủ quên trên mái ngói nghiêng nghiêng chảy vào lòng tôi lóng lánh rêu phong thành quách” (Hà Nội)... hay những thức dâng của tự nhiên được di dưỡng bằng đôi bằng tay khéo léo và trái tim nhiệt huyết của người Hà Thành...

Trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai, bên cạnh bức tranh cảnh sắc thiên nhiên và phố phường Hà Nội, những dấu hiệu của trầm tích văn hóa được cất giữ kỹ lưỡng trong lòng Thủ đô, còn có bóng dáng của con người với nhiều phẩm chất đáng trân trọng mà nổi bật nhất là sự nhân hậu, bao dung. Nhà thơ đặc biệt chú trọng đến những người lam lũ, nặng gánh mưu sinh. Điều này xuất phát tấm lòng nhân hậu của chị (bên cạnh là một nhà thơ, Nguyễn Phan Quế Mai còn là một là hoạt động xã hội với nhiều dự án ý nghĩa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn). Bằng một trái tim ngập tràn yêu thương và đôi mắt trìu mến, chị đã nhìn đời và phát hiện ra, đằng sau cái vẻ đẹp yêu kiều, diễm lệ và có phần hào nhoáng, sang cả của Hà Thành là những mảnh đời vất vả, lam lũ trong cuộc sống thường nhật. Những “Dáng người gồng gánh với mỏng triền đê” (Hà Nội), những “họ” (vô danh, thầm lặng) sống bằng nghề mua gánh bán bưng, đổi cả sức khỏe lẫn ước mơ của mình để nhận về “những đồng bạc lẻ”: “Những đồng bạc lặng lẽ/ Thấm đẫm sương đêm thấm đẫm mồ hôi” (Những ngôi sao mang hình quang gánh).

que-mai.jpg

Ấy vậy mà họ đã cống hiến rất nhiều cho cuộc đời. Họ đã dẹp đi nỗi lo âu, trăn trở về hoàn cảnh khốn khó của riêng mình, từng ngày từng giờ điểm tô cho gương mặt Hà Nội thêm tươi đẹp rạng rỡ: “Họ gánh về cổng tôi những mùa trinh nguyên, những mùa tôi sẽ quên nếu không có họ”. Những con người vô danh, bình dị ấy đã nhắc nhớ trong lòng người lữ khách hương vị ngọt ngào của quê nhà mà trong nhịp sống bộn bề, xoay chuyển người lữ khách đã vô tình quên đi: “Họ gánh tặng tôi ngọn gió mát lành đồng quê”. Họ có “những cơn mơ”, có khát vọng rất đỗi chân chính, đáng quý. Họ giàu đức hy sinh, sống vì gia đình, vì những người mình yêu thương: “Vòng tay ngỏ/ Lời ru con căng sữa”, “Khó thời đòn gánh đè vai/ Lần hồi nuôi mẹ mặc ai chê cười”. Sau diện mạo đẹp đẽ của Hà Thành là những khuôn mặt mòn mỏi đếm thời gian trôi, là những người không ai nhớ tên đã “Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận”. Bài thơ Những ngôi sao mang hình quang gánh của Nguyễn Phan Quế Mai như một khúc ca tri ân những người đã lặng lẽ thêu dệt nên những sắc màu lộng lẫy cho Hà Nội, khúc ca ca ngợi tấm lòng cao đẹp, đáng trân trọng của họ.

Thơ Nguyễn Phan Quế Mai có sức hút riêng, không vồn vã, hô hào, không ngoa dụ, thậm xưng... Những vần thơ ấy được chắt lọc từ những gì dung dị, gần gũi của đời thường, hoặc cho nó có kiêu sa, rực rỡ thì đó cũng chỉ là bản chất của Hà Nội - đất kinh kỳ lấp lánh những ánh vàng trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Ta càng cảm mến Nguyễn Phan Quế Mai hơn qua những vần thơ, bởi tấm lòng của chị, cái nhìn nhân hậu của chị về miền đất vốn là nỗi khát khao giáp mặt của bao người. Có một Hà Nội lãng mạn và nhân hậu trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai, quả không sai!

ThS. Hoàng Khánh Duy