Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Trường Lâm (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 18/09/2023 16:16

Chùa Trường Lâm hiện nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội (cùng khuôn viên với đình Trường Lâm).

chua-truong-lam-lb.jpg
Chùa Trường Lâm

Chùa còn có tên chữ là Linh Quang tự. Trước đây chùa Trường Lâm thuộc xã Việt Hưng, huy Gia Lâm, Hà Nội. Xưa, chùa thuộc vùng đất cổ Lâm Ấp, song thời Lê là Hoa Lâm sở, thế kỷ XIX là Trường Lam sở (cùng có thời gian gọi là Tràng Lâm) cùng với Lệ Mật, Kim Quan Thượng, Ô Cách là 4 thôn của tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Trường Lâm có lịch sử xây dựng từ lâu đời, là nơi thực hiện nghi lễ tín ngưỡng thờ Phật của người dân địa phương. Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong thôn thì ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý. Trải qua bao năm tháng, chùa đã nhiều lần dịch chuyển địa điểm. Đầu tiên là ở khu đất Lâm Ấp, đến Đồng Trại và sau đó lại chuyển đến khu vực trung tâm của làng Trường Lam - vị trí hiện nay. Vậy chùa Trường Lâm có được xây dựng từ thời Lý hay không? Đây quả là vấn đề được nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu rõ ngọn nguồn. Song, rất tiếc là cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy một nguồn tư liệu nào minh chứng cho ngôi chùa được khởi dựng từ triều Lý. Khảo cứu thực địa, các nhà khoa học chỉ tìm thấy duy nhất một di vật có niên đại sớm nhất là pho tượng Thích Ca sơ sinh, được tạo tác vào khoảng thế kỷ XVII. Đây là di vật quý, có giá trị nhất của chùa hiện nay, mà qua đó (dù chưa thật đầy đủ) có thể phần nào xác định được ngôi chùa đã tồn tại dưới triều Lê. Còn nếu căn cứ theo hiện trạng kiến trúc, cho thấy ngôi chùa mang phong cách chủ yếu của thời Nguyễn.

Chùa Trường Lâm có quy mô, kiến trúc khá lớn, quay hướng nam (cùng hướng với đình Trường Lâm).

Từ khi được xây dựng, chùa Trường Lâm đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, vì vậy kiến trúc, cảnh quan không còn bảo lưu được nguyên vẹn như thời khởi dựng. Các hạng mục công trình kiến trúc hiện còn lưu giữ được bao gồm: khu thờ chính gồm Tiền đường, Thượng điện, nhà thờ Tổ và Mẫu, nhà khách, sân, khu tháp mộ ở phía sau chùa.

Chùa Trường Lâm hiện bảo lưu được những di vật quý như: 19 pho tượng tròn, trong đó đáng được quan tâm nhiều nhiều nhất là pho tượng Thích Ca sơ sinh, tượng thể hiện một cậu bé, đứng trên đài sen... Ngoài ra, chùa còn giữ được quả chuông đồng đúc năm 1879, bia đá tạo tác năm 1930, một chiếc lộc bình sứ có niên đại thế kỷ XIX, hoành phi, bát hương...

Điều vinh dự lớn nhất là ngày 18/2/1958 (mùng 1 Tết âm lịch) tại khu đình, chùa Trường Lâm, toàn thể nhân dân Việt Hưng đã được đón Bác Hồ về thăm. Bác đã chúc tết và căn dặn đồng bào phải đoàn kết chăm lo sản xuất, chống hạn cứu lúa, đảm bảo vượt mức kế hoạch, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Cụm di tích đình, chùa Trường Lâm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)