Danh thắng & Di tích Hà Nội

Quần thể di tích chùa Trầm (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 18/09/2023 14:24

Quần thể di tích chùa Trầm hiện nay tọa lạc tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

chua-tram-cm(1).jpg
Chùa Trầm

Quần thể di tích và danh thắng chùa Trầm nằm ở khu vực núi Trầm, thôn Long Châu, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía tây. Nơi đây gồm những địa điểm lịch sử, văn hoá, kiến trúc và danh lam thắng cảnh:

Chùa Trầm, tên chữ là Long Thiên tự, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Vô Vi, tên chữ là Vô Vi tự, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Chùa Hang, tên chữ là Hang Tiên động, thuộc loại hình di tích và danh thắng.

Chùa Ba Làng, tên chữ là Quan Âm viện, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Cao, tên chữ là Quan Âm tự, thuộc loại hình kiến trúc và danh thắng. Hành cung phủ chúa Trịnh và núi Bút, thuộc loại hình di tích lịch sử và danh thắng. Hiện tại di tích này chỉ còn là một phế tích.

Địa điểm Bác Hồ về thăm chùa Trầm, thuộc loại hình di tích Cách mạng.

Truyền thuyết về núi Trầm được các vị bô lão ở thôn Long Châu kể lại: Từ thời thượng cổ có một ngôi sao sáng, đẹp nhất thiên đình là Tử Vi tinh, tự nhiên rơi xuống trần gian và hoá thành dãy núi đá Tử Vi tinh. Dãy núi đá này gọi là Tử Trầm Sơn. Nguyên xưa, Tử Trầm Sơn gồm đỉnh lớn như con phượng hoàng khổng lồ nhô đầu lên, vì vậy gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Đến thời Lý, Trần đổi tên theo truyền thuyết là Tử Trầm Sơn. Theo Đại Nam nhất thống chí miêu tả phong cảnh núi Trầm: Giữa đất bằng nổi lên mấy ngọn núi đá cao chót vót, dưới có động, trên có chùa Vô Vi (xây dựng năm 968), núi nước quanh nhau, xưa vua Lê dựng hành cung ở đây, đào hồ ven núi để tiện đi thuyền, vì thế gọi là Long Châu. Trên núi có đá âm, đá dương, tương truyền khi nào đá dương kêu thì trời nắng, đá âm kêu thì trời mưa. Chu vi núi Trầm khoảng 8 vạn mét và ngọn núi cao hơn 400 mét.

Khu núi Trầm thời vua Lê, chúa Trịnh (Lê Chiêu Tông, 1516 - 1522) đã cho dựng cung điện vào năm 1516. Thời này vua chúa đã sai dân khai sông suối quanh núi để ngự thuyền rồng ngắm cảnh, tạo lên cảnh sơn thuỷ hữu tình, kỳ sơn thuỷ tú. Tháng 4 năm 1993, núi Bút bị sập do phá đá nung vôi, cho đến thời điểm này khu hành cung núi Bút đã bị san bằng.

Dãy núi Trầm có hang động kỳ thú gọi là động Long Tiên, rộng và đẹp. Thời Lê và thời Nguyễn đều biết dựa vào địa hình đẹp và thơ mộng để xây dựng danh lam, cổ tích. Năm Chính Hoà thứ 17 (1696), vua Lê Hy Tông sai thợ đục, tạc 48 pho tượng đá để thờ trong hang động.

Long Tiên động có lỗ thông thoáng từ trên đỉnh núi chiếu ánh sáng tự nhiên vào các pho tượng Phật, tạo nên không gian ba chiều huyền ảo.

Khu núi Trầm có nhiều ngôi chùa được xây dựng lên thời phong kiến Việt Nam như chùa Vô Vi, chùa Long Tiên, động chùa Hang, chùa Ba Làng, chùa Quan Âm.

Cũng như những ngôi chùa cổ Việt Nam, các chùa núi Tử Trầm đều thờ Phật theo phái Đại Thừa, ngoài ra còn thờ các vị Tổ và Mẫu.

Đặc biệt vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Long Tiên động là nơi tạm trú ít ngày của Chính phủ ta trước khi lên chiến khu Việt Bắc. Theo nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ “Những bức thư kể chuyện Bác Hồ” - NXB Sự thật - tháng 11 năm 1985 - về tết kháng chiến thứ nhất - Xuân Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ lúc này đang ở xóm Lài Cái, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ngày 30 tết, chương trình của Bác Hồ như sau: Chiều tối họp Hội đồng Chính phủ tại phủ Quốc Oai, sau đó đến Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam tại chùa Trầm lúc giao thừa.

Đêm 30 tết Đinh Hợi, hồi 22 giờ 30 phút, Bác từ phủ Quốc Oai về Trầm qua Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị sang đầu giờ ngày mùng 1 Bác vào ngay buồng phát thanh nói trước máy. Người đọc bài thơ mừng năm mới đồng bào tết đầu kháng chiến như sau:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi

Trường kỳ kháng chiến nhất định thành công.

Hôm ấy, Bác Hồ nói chuyện thân mật với anh em cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh, khuyên mọi người hết sức tiết kiệm để kháng chiến lâu dài. Bác hẹn “bao giờ kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta cùng nhau ăn tết vui vẻ”.

Sắp ra về, sư cụ chùa Trầm xin được gặp Bác. Bác chúc sức khoẻ nhà chùa sang năm mới luôn cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công và tặng đôi câu đối viết bằng chữ Hán trên giấy điều:

Phiên âm:

Cao sơn hữu ý thiên niên bút

Lưu thuỷ vô thanh vạn cổ cầm

Tam dịch:

Núi cao cảnh đẹp không bút nào tả hết

Nước chảy trong hang hay hơn tiếng đàn

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các đơn vị quốc phòng đóng quân ở đây. Ngày 3 tháng 7 năm 1966, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam vinh dự đón Bác về thăm. Bác làm việc cả ngày, Người tĩnh tâm suy nghĩ việc nước, viết tài liệu rồi đi thăm nơi huấn luyện, làm việc, nơi ăn chốn ngủ của bộ đội. Chiều hôm đó, trước khi ra về, Bác đã nói chuyện với bộ đội: “Các chú cần phải làm tốt nhiệm vụ của mình... đoàn kết với nhân dân, được dân tin, dân mến mới bảo vệ được mình...”.

Sau vài ngày đơn vị bộ đội đã đắp con đường đặt tên là đường Quyết Thắng để cho nhân dân đi làm đồng được thuận tiện, đây là kỷ niệm sâu sắc đến ngày nay.

Các đơn vị quốc phòng đóng quân ở chùa Trầm đều vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ về thăm như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... để lại dấu tích lịch sử đáng ghi nhớ.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1964./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)