Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Tự Khoát (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 17/09/2023 16:32

Chùa Tự Khoát có tên chữ là Hưng Phúc tự, ở đầu thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 13km về phía nam theo Quốc lộ số 1.

chua-tu-khoat-tt.jpg
Chùa Tự Khoát

Theo truyền thuyết vào thời nhà Lý, có hai công chúa thường đi các nơi xây dựng chùa chiền, khi đến Tự Khoát thấy địa thế ở đây cao đẹp, hai công chúa đã bỏ tiền của ra xây dựng chùa Hưng Phúc và sau đó ở lại tu tại chùa. Trong thời gian tu tại chùa Tự Khoát, hễ thấy ai bán ruộng đất, hai công chúa đều bỏ tiền ra mua, rồi giao lại cho dân làng từ 18 tuổi trở lên cày cấy thu lợi lấy tiền tu sửa chùa. Tương truyền hai công chúa nhà Lý sau này đã mất tại chùa.

Trong chiến dịch vua Quang Trung đại phá quân Thanh (Kỷ Dậu 1789), các vị sư trụ trì ở chùa Tự Khoát lúc bấy giờ đã góp nhiều công sức giúp đỡ quân sĩ Tây Sơn, góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Tương truyền Mả Ngô gần chùa chính là nơi chôn xác quân Thanh.

Chùa Tự Khoát toạ lạc trên một gò đất cao, quay về hướng nam.

Kiến trúc chùa gồm Tam quan, nhà Tiền đường, nhà Thiêu hương, Hậu cung, nhà Tổ, nhà khách. Toàn thể công trình được bố trí hài hoà trong một tổng thể thống nhất trong một khuôn viên khép kín. Tiền đường, Thiêu hương và Hậu cung bố trí trên mặt bằng hình chữ “công”. Đặc biệt Tam quan chùa có kết cấu khá độc đáo và đẹp. Chính giữa Tam quan là một ngôi nhà vuông, bốn mặt mở 4 cửa lớn. Phía trên 4 góc của ngôi nhà này có 4 hình bông sen đắp bằng vữa và một tháp xây bằng gạch, hình bát giác, bốn tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Tiền đường 5 gian, các bức cốn, đầu dư trang trí chạm thủng kết hợp bong kênh hình rồng, đạo mác mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng (từ 1533 đến 1788). Thiêu hương 2 gian, Hậu cung 5 gian, trang trí chạm khắc theo phong cách thời Nguyễn.

Trong chùa có 52 pho tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. Ngoài ra còn có các chuông đồng, hoành phi, câu đối, tượng đá, bia đá (bia có niên đại lâu nhất còn giữ được là tấm bia dựng năm Minh Mạng thứ 11 - Canh Dần 1830).

Lễ hội Tự Khoát là lễ hội của một vùng cư dân đông đúc tới 10 làng, tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng ba âm lịch, chính hội là 16 tháng ba.

Chùa Tự Khoát đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)