Thơm mùa dứa chín

Tản văn - Ngày đăng : 15:07, 25/06/2022

Tôi vẫn mong chờ tháng 5, không hẳn mong chờ những cơn nắng mênh mang, dịu ngọt; không hẳn chờ đợi những sắc hoa nồng nàn, rực rỡ. Tôi mong đợi một mùa quả xù xì mà ngọt lành, thơm dậy. Mùa dứa chín.
Thơm mùa dứa chín
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Mùa dứa bắt đầu từ khoảng đầu tháng 5 âm lịch, quãng Tết Đoan ngọ - “diệt sâu bọ”. Trước đó, đã loáng thoáng thấy những hàng hoa quả bày bán những trái dứa đầu tiên lốm đốm chín; những cái lá cứng dày ngăn ngắt, những con mắt ngơ ngác, trầm tĩnh nhìn người qua đường nửa mời mọc, nửa điềm nhiên. Cô hàng dứa tranh thủ lúc vắng khách ngồi gọt sẵn mấy trái. Vì dứa ngon, ngọt, lành đấy nhưng bổ dứa lại là việc... thử thách. Không có người gọt sẵn, có lẽ nhiều người thèm cũng ngại mua.

Nhìn cô hàng biểu diễn màn bổ dứa mà thích mắt. Cô cầm chắc trái dứa trong lòng tay này, con dao sắc lẹm ở tay bên kia, bằng vài nhát bén ngọt, những cái lá cứng đầu bị phạt chéo tăm tắp, còn lại một túm đầu gọn ghẽ, nhẵn nhụi. Xong, cô đổi tay cầm phần đầu đó và bắt đầu gọt vỏ. Quả dứa thoáng chốc đã rơi hết lớp vỏ áo, lộ ra tấm thân vàng ruộm điểm những hàng mắt lỗ chỗ đen. Thêm những đường rạch, cắt rãnh cheo chéo, ngay ngắn; những lát mắt đen lả tả rơi xuống. Cuối cùng còn lại phần ruột vàng ươm, sạch mắt, ngời ngời vị ngọt muốn tứa nước miếng. Cô hàng lại nhanh tay đặt hai vết ấn ngập sâu - quả dứa đã thành 4 miếng rơi xuống túi. Gọn gàng, lanh lẹ trong chớp mắt.  

Tôi nhớ ngày xa, có một quãng, bố vẫn tranh thủ mang hoa quả ở những phiên chợ bên kia sông về cho mẹ bán. Nào mít, bưởi, hồng, na, dứa..., những thức mà bãi bồi và nắng gió ven sông xen lẫn với đất đồi lỡ cỡ đã làm chúng dồi dào hơn hẳn bên này. Chẳng biết lờ lãi được bao nhiêu nhưng mẹ bảo, cứ được ăn từ đầu mùa thoải mái, lại còn biếu ông bà và các bác, cô chú vài bữa là thích rồi. Bán ít buổi vào vài vụ quả một năm như thế đủ để mẹ có kinh nghiệm chọn được những thứ tươi ngon, ngọt lành nhất của từng loại. Mít phải gai đều, không nhọn quá, vỗ kêu đằm tay, mềm vừa độ. Còn dứa, giống như na, phải chọn quả mắt đều. Nhưng dứa còn phải nhìn vào cuống lá, màu vỏ, ngửi hương - thứ hương dậy lên bên ngoài lớp áo như chui thoát ra sau những nhọc nhằn, trăn trở.

Vào mùa dứa, gian cạnh buồng là nơi mẹ xếp dứa, đợi mang đi bán. Sáng sớm chợ Xà Đông, chiều tối chợ Trai. Cứ lựa quả nào ửng, chín thì mang đi trước. Những quả dứa nằm im, khoan thoai trong 2 cái thúng mẹ gánh toòng teng. Gánh dứa nhẹ, lại được giá hơn nhiều so với gánh rau khoai lang kĩu kịt mẹ bán trên chợ Xà Đoài mỗi sớm. Có điều, từ khâu đặt, lựa, xếp dứa đều phải thật nhẹ nhàng kẻo dập chút là hỏng, phải bỏ cả trái luôn. Bán dứa ngày đó, mẹ không phải bổ, chỉ bổ ở nhà cho các con ăn thôi. Mẹ bổ khoan thai, vừa bổ vừa kể chuyện về loài rắn hay ăn vụng dứa, về cách trồng dứa vô cùng khác lạ với những loại cây khác. Mấy anh em há hốc mồm nghe. Hôm sau quyết để dành phần ngọn dứa mang ra ngoài vườn trồng, hy vọng năm sau sẽ có những trái dứa cắt từ vườn nhà mình chứ không phải được mang về từ bên kia sông. Nhưng rồi, hết đận nọ, đận kia, chẳng có quả dứa nào xuất hiện dù chúng tôi tha thiết lắm. Mẹ cười bảo, đất đồi mới hợp với loại quả này.

Chúng tôi nguôi ngoai và chấp nhận. Rồi lại háo hức đón chờ những sọt dứa sau buổi chợ chiều của bố vào mỗi tháng 5.

Sau này, bố không buôn nữa nhưng mỗi dịp Tết Đoan ngọ về, thấy hương dứa mật nồng nàn lại nhớ mình đã từng trồng trong vườn những cái cây từ phần ngọn ngỡ phải bỏ đi.

Hanoimoi