Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Trung Kính Thượng (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 17/09/2023 14:45

Chùa Trung Kính Thượng, có tên chữ Diên Phúc tự thuộc phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

chua-trung-kinh-thuong-cg.jpg
Chùa Trung Kính Thượng

Căn cứ vào các tấm bia hiện còn lưu giữ được tại chùa như: Hậu Phật bi ký dựng ngày tốt, tiết trọng xuân, năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679), ghi việc gửi giỗ; bia Lưu truyền vạn đại (lưu truyền muôn đời) dựng ngày 15, tháng 11, năm Vĩnh Trị 4 (1679) ghi việc gửi giỗ; bia Lưu truyền vạn đại dựng ngày 13 tháng 10 niên hiệu Chính Hoà 7 (1686) cho biết: “... Thường thấy quốc gia có kỷ cương, thôn ấp có thứ tự đều là cái để cùng nhau tin tưởng. Thôn nhà có chùa Diên Phúc vốn là nơi cổ tích danh lam anh đoán tỉnh thông cúng dưỡng thờ phụng phần hương chúc thánh thọ, nước thọ thôn ấp an vui...”; bia Hậu Phật bi ký dựng ngày lành tháng 11 niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) cũng cho biết: “... Bà Trần Thị Tái lấy người họ Quý ở An Lạc, dòng lệnh tộc, tu nhân tích đức, lấy lòng phổ độ cứu dân. Được coi như trồng cây phúc và quan viên, sắc mục bầu hậu Phật để gia tiên được hưởng phúc lành mãi mãi...”. Từ đó, chúng ta có thể nhận định chùa Trung Kính Thượng được xây dựng từ trước năm Vĩnh Trị 4 (1679).

Qua thời gian, chùa được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Năm Ất Sửu niên hiệu Thành Thái (1889) đúc khánh Tập Phúc khánh ghi việc: “... Chùa Diên Phúc thôn nhà ở bên trái sông Tô Lịch thờ thần, bên phải lại mở ra một con đường thật là nơi thanh u đẹp để vào bậc nhất... Mùa thu tháng 9 niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1888) có người trong thôn ấp là bát phẩm lĩnh chánh tổng Bùi Cáp nghĩ đến việc tu sửa chùa chiền trang sức tượng Phật dựng gác đúc khánh đồng, một người xướng lên việc ấy mà người ta đều hoà theo..”. Năm 2002 tu bổ nhà thờ Tổ, điện thờ Mẫu; năm 2004 tu bổ chùa chính; năm 2006 tu bổ Tam quan ngoại. Sau mỗi đợt tu sửa dân làng lại dựng bia ghi lại sự việc và biểu dương những người có công đức.

Chùa Trung Kính Thượng được xây dựng trên một khu đất cao đầu làng, sát bờ sông Tô Lịch, mặt bằng di tích bao gồm: Tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu.

Chùa Trung Kính Thượng còn bảo lưu được một hệ thống tượng pháp 58 pho lớn nhỏ, bao gồm các loại tượng Phật, tượng Mẫu và tượng hậu. Tất cả đều được tạo tác khá tỉ mỉ với những pho tượng tiêu biểu như bộ tượng Tam thế Phật, A Di Đà Tam tôn, Di Lặc, Tuyết Sơn, Đức Ông, Thánh Hiền... cùng một bộ di vật có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật cao, với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như: 8 tấm bia đá, trong đó có tấm bia “Hậu Phật bi ký” dựng ngày tốt, tiết trọng xuân, năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679), 3 quả chuông đồng trong đó có quả chuông “Diên Phúc tự chung” được làm vào ngày tốt cuối mùa hạ năm Quý Hợi; 1 khánh đồng đúc năm Ất Sửu niên hiệu Thành Thái (1889); 14 bức đại tự có nội dung: “Diên Phúc tự”, “Tổ ấn trùng quang”, “Mẫu nghi thiên hạ...”

Chùa Trung Kính Thượng đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2009./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)