Chùa Thượng Thụy (huyện Hoài Đức)
Chùa Thượng Thụy hiện nay tọa lạc tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa nằm trên khu đất cao thuộc cánh đồng thôn Thượng Thụy. Dân địa phương gọi chùa là chùa Thượng, nhưng tên chữ của chùa có từ xa xưa là Diên Phúc tự (sự may mắn kéo dài).
Toà Tiền đường gồm 7 gian cao hơn sân 0,5m, thềm gian giữa có đôi sấu đá chạy thành bậc dài 1,2m với dáng mập, khoẻ đuôi dài uốn sóng mượt và nổi gờ, đầu ngước lên, miệng ngậm viên ngọc quý. Đôi sấu đá này mang phong cách nghệ thuật thời Trần và là di vật sớm nhất hiện còn. Nhìn tổng thể, nền Tiền đường cao nhưng mái lại lan rủ xuống thấp, đứng trên hiện có thể chạm đầu bẩy theo môtíp kiến trúc chùa từ thế kỷ XVII trở về trước. Vào bên trong, các bộ vì được làm theo một kiểu thức “giá chiêng chồng rường”. Tại một bộ vì còn giữ được mảng chạm hai đô vật đang giữ thế với nhau, mảng chạm này thường thấy ở điêu khắc đình làng.
Thiêu hương là một công trình chạy dọc, nối từ Tiền đường với Thượng điện. Các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường” nhưng chỉ bào trơn. Từ đây bước lên 4 bậc là vào Thượng điện 5 gian, 4 mái xoè rộng, các mái đao uốn cong, mái lợp ngói mũi hài to nặng, các cột kẻ chân tảng chạm hoa sen, có sử dụng lại dầu dư chạm rồng mang phong cách thời Mạc. Trong khuôn viên chùa còn có toà điện mẫu được làm thêm về sau, nguyên trước phía ngoài thờ các tổ còn chuôi về thờ Tam toà thánh mẫu. Bên phải chùa còn có quán 2 nếp nhà cấu trúc đơn giản, nhìn xuống giếng đất. Đây là nơi thờ 2 trong 6 vị thần tiên là Đại đế Đại vương Đô đinh mã và Quốc vương Tề thiên Đại thánh.
Hệ thống tượng Phật ở chùa Diên Phúc có chừng 60 pho với nhiều lớp phong phú, ở toà Tiền đường có tượng Hộ pháp to lớn gần chạm mái, gian cạnh là pho Đức Ông rồi pho Trừng ác, Khuyến thiện... Đầu hồi còn một số bia và tượng hậu, ở hai bên tường toà Thiêu hương có bộ tượng Thập điện Diêm vương niên đại tạo tác muộn. Điều đặc biệt là các pho tại Thượng điện, trên cùng là bộ Tam thế nhưng đã mất một pho, chạm trong thế ngồi trên đài sen lộ các quý tướng của nhà Phật, dáng thon, miệng thoảng cười, hoạ tiết sắc sảo, có thể thuộc thế kỷ XVII, lớp tiếp theo là bộ Di Đà Tam tôn chạm cân đối hài hoà. Lớp thứ 3 là pho Tuyết Sơn và Văn Thù, Phổ Hiền. Hàng thứ 4 là pho Di Lặc, hoan hỷ ngồi trên đài sen giữa 2 Thị giả. Hàng thứ 5 tương đối gần chúng sinh, dành riêng cho tượng Quan Âm chuẩn đề, được lấy mẫu từ những cô thôn nữ, dáng tượng trong tư thế toạ thiền trên đài sen. Đây là tượng gỗ sớm, có thể được làm từ thời Mạc. Hàng thứ 6 là tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Dưới cùng là pho Thích Ca sơ sinh. Trong Thượng điện còn có pho Quan Âm toạ sơn và Quan Âm tống tử gần gũi với đời thường. Ngoài ra, chùa còn có tượng Thổ địa và tứ trấn để đất Phật luôn được bình yên.
Chùa Thượng Thụy còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị. Về đồ gỗ có nhiều bức y môn và cửa võng, hoành phi, câu đối trang trí đẹp, nội dung hàm súc. Đồ đồng có bát hương và quả chuông có niên đại Cảnh Thịnh thứ 2 (1794). Về đồ đá có 15 tấm bia thuộc thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Đặc biệt có tấm “Diên Phúc tự chi thạch bi” được dựng năm Hồng Đức thứ 17 (1486).
Chùa Thượng Thuy đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02