Chùa Thượng (huyện Mỹ Đức)
Chùa Thượng có tên chữ là Cảnh Linh tự, thuộc thôn Thượng, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa toạ lạc trên thế đất cao, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm: Tam quan, Tiền đường và Thượng điện, xung quanh chùa có vườn cây ăn quả, cây cổ thụ tạo nên vẻ u tịch cho quần thể di tích này. Tam quan được làm đơn giản với hai tầng bốn mái tường xây bằng đá ong, tầng trên treo một quả chuông, tầng dưới là ba lối đi. Các bộ vì đỡ mái của Tam quan được làm đơn giản chủ yếu là bào soi vỏ măng và soi gờ chỉ. Tiền đường được làm 3 gian 2 dĩ, 4 mái đạo cong với 3 lối cửa đi một cửa chính. Hệ thống cửa được làm kiểu bức bàn rất thuận tiện cho việc sử dụng và tạo vẻ kín đáo. Nhìn từ bên ngoài toà kiến trúc này được làm 4 mái đao cong, bờ nóc, bờ chảy đắp giả hoa chanh. Hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng được làm biến thể kiểu rồng Makara ngậm bờ nóc, chầu vào mặt trời ở giữa. Các đầu đao được tạo dáng uốn cong làm cho bộ mái bớt đi phần nặng nề. Vào bên là bộ khung kết cấu chịu lực gồm 4 hàng cột. Các cột cái và cột quân được chế tác bằng gỗ, đứng trên bệ đá thắt cổ bồng. Các bộ vì được làm theo kiểu “Thượng chồng rường con nhị, hạ cốn mê, bẩy hiện và hậu”. Trên xà nách một bức cốn hình tam giác vuông có cạnh huyền cắt khác để đỡ các hoành trung, bên trong lòng các bức cốn được chạm các tích tứ quý. Thượng điện 3 gian nhà dọc. Bộ vì thứ nhất và thứ hai được làm theo kiểu “Thượng chồng rường con nhị hạ kẻ chuyền xà nách”. Bộ vì giáp hồi được làm theo kiểu “Thượng ván mê, hạ cốn”. Trong lòng ván mê và cốn được chạm hoa văn chữ triện. Thượng điện có các bệ thờ từ cao xuống thấp là nơi đặt tượng Phật. Vị trí cao nhất có bộ tượng Tam thế mang phong cách thế kỷ XVIII. Lớp thứ 2 là tượng A Di Đà, hai bên là tượng Thị giả dâng hoa. Lớp thứ 3, ở giữa là tượng Thích Ca niệm hoa. Hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí tạo tác theo thế ngồi kiết già. Lớp thứ 4 ở giữa là tượng Quan Âm chuẩn đề có 12 đôi tay. Hai bên là tượng Di Lặc và tượng Tuyết Sơn. Lớp tiếp theo là tượng Nhị Thiên Vương. Ngoài Tiền đường, bên trái gian hồi được đặt tượng Đức Ông và tượng Hộ pháp Khuyến Thiện, gian hồi bên phải đặt tượng Thánh Tăng và Hộ pháp Trừng Ác. Tại Thượng điện ở gian hồi đặt tượng Bát bộ Kim cương, tượng thánh Phụ, thánh Mẫu, tượng Địa Thuỷ, Thiên Phủ. Đặc biệt, tại gian giáp hồi bên trái của Thượng điện đặt tượng Quan Âm toạ sơn mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII). Đăng đối với tượng Quan Âm toạ sơn về phía bên kia là tượng Quan Âm nam hải (còn gọi là Quan Âm chuẩn đề). Chùa Thượng còn lưu giữ được 1 quả chuông thời Nguyễn, 2 bát hương đá thời Nguyễn.
Chùa Thượng đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02