Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Thụy Ứng (huyện Thường Tín)

Sơn Dương (t/h) 17/09/2023 08:52

Chùa Thụy Ứng hiện nay tọa lạc tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.

chua-thuy-ung-tt.jpg
Chùa Thụy Ứng

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Thuỵ Ứng thuộc tổng Cổ Hiền, phủ Thường Tín. Chùa có tên chữ là Ứng Xá tự.

Ngôi chùa toạ lạc giữa làng, gồm Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, còn có nhà Tổ, nhà Mẫu. Chùa quay hướng tây nam. Tại câu đầu gác chuông còn ghi “Chính Hoà thập tứ niên, bát nguyệt, thập nhị nhật” nghĩa là “Triều vua Chính Hoà 14, ngày 20 tháng 8”. Trên quả chuông còn ghi: “Hồng chung Ứng Xá cổ tự, Hoàng triều Cảnh Thịnh nhị niên, Chính nguyệt, nhị thập bát nhật” nghĩa là Chuông lớn chùa cổ Ứng Xá, triều vua Cảnh Thịnh thứ 2, tháng giêng, ngày 28”. Trên tấm bia hậu đặt tại Thượng điện lại cho biết thêm về niên đại không những của tấm bia mà còn mang ý nghĩa niên đại ngôi chùa: “Hoàng triều Chính Hoà vạn vạn niên”. Chắc chắn rằng ngôi chùa đã được cổ nhân xây dựng ít nhất từ triều Lê.

Tam quan chùa cũng là gác chuông của chùa, gồm một cửa chính, làm giả hai tầng tám mái đao cong. Bộ vì Tam quan được cổ nhân làm theo kiểu thức “giá chiêng, chồng rường, kẻ”. Cũng tại nơi đây, một chiếc xà nối hai câu đầu để treo một quả chuông lớn. Chuông có niên đại thời Lê.

Chùa chính được làm theo kiểu chữ “đinh” bao gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường chùa là một ngôi nhà ngang gồm ba gian hai chái kiểu tường xây, hồi bít đốc. Nhìn phía trên, bờ nóc bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu định và hai con kìm, chính giữa bờ nóc đắp cuốn thư, bên trong đắp nổi ba chữ Hán đề tên chữ của chùa, cuối bờ giải được xây giật cấp kiểu tay ngai bằng vôi vữa. Nối từ hai đầu hồi của Tiền đường là hai bức tường lửng và hai cột đồng trụ, trên đỉnh trụ là tứ phượng chầu. Vào bên trong, tương ứng với năm gian là sáu bộ vì đỡ mái trên mặt bằng bốn hàng chân cột.

Gian giữa Tiền đường dành cho việc cúng lễ, hai bên cạnh đặt hai ông tượng Hộ pháp (Khuyến Thiện và Trừng Ác). Bên cạnh là bàn thờ đặt tượng Thánh Tăng và Đức Ông. Nối từ gian giữa tiền đường vào là 5 gian thượng điện được làm kiểu nhà dọc bít đốc. Phía dưới xây gạch giật cấp cao dần về phía sau là nơi toạ lạc của hệ thống tượng Phật. Vị trí cao nhất là bộ tượng Tam Thế gồm ba pho có kích thước và tạo dáng tương tự nhau. Lớp thứ 2 là tượng A Di Đà. Lớp thứ 3 là tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng được tạo tác ngồi kiết già trên đài sen, bên trái là Quan Âm bồ tát, bên phải là Đại thế chí. Lớp thứ 4 là tượng Ngọc hoàng, hai bên là hai pho Thị giả theo hầu. Lớp thứ 5 là toà Cửu long chạm theo kiểu vòm cầu. Tại nhà Tổ, nhà Mẫu còn có bộ tượng Tổ và tượng Tam toà thánh Mẫu cùng một số đồ thờ tự khác.

Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)