Văn hóa - Xã hội

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4: Hà Nội xuất sắc với tiểu phẩm hòa giải tranh chấp di sản

Văn Thiện 14/09/2023 21:26

Cuộc thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4 khu vực miền Bắc đã thành công tốt đẹp. Đội thi Hà Nội xuất sắc với tiểu phẩm hòa giải tranh chấp di sản nhạy cảm và khó khăn.

z4691932294537a2b0be46e81d1bdbd5bfca1f4c04bd7e-16946638415292000690473.jpg
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4 (ảnh: báo Chính phủ)

Ngày 14/9, tại Hải Phòng, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức hội thi "Hòa giải viên cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ IV", khu vực miền Bắc, với sự tham dự của 26 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, tư tưởng và phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác này là "xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn" là nền móng cho sự ra đời, phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở.

Với phương châm giải quyết "thấu tình, đạt lý", hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng "lấy dân làm gốc". Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp ở cơ sở có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

"Để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn phải nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp trực tiếp của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở", ông Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.

Theo đó, những người dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại hội thi hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn 1 đội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị, trong đó 1 người làm đội trưởng. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 5 người tham gia các vai phụ.

Về hình thức thi: Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia các phần thi, gồm: Phần thi giới thiệu trong thời gian tối đa 5 phút, tổng số 20 điểm. Đội thi giới thiệu về các thành viên, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...).

Phần thi lý thuyết gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tối đa 10 giây chuẩn bị cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm.

Phần thi hòa giải khéo tối đa có 4 phút chuẩn bị và trả lời, tổng số 40 điểm: Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 1 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức hội thi đặt ra.

Phần thi tiểu phẩm trong thời gian tối đa 7 phút, tổng số 40 điểm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.

Nội dung thi gồm các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Trong Hội thi, 26 đội thi của các tỉnh, thành phố phía bắc sẽ tham gia thi với 3 phần: giới thiệu về các thành viên, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp như: kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...

Phần 2, các đội sẽ tham gia thi lý thuyết với việc trả lời câu hỏi trắc nghiệm và thi hòa giải khéo…

Phần 3 thi tiểu phẩm, các đội sẽ tham gia thi kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực…

Các đội tham gia thi tập trung vào nội dung chính về các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Kết thúc 3 vòng thi khu vực, các đội thi đạt giải nhất, nhì, ba sẽ tham dự vòng thi toàn quốc, với tổng số 15 đội thi. Địa điểm tổ chức vòng thi toàn quốc là ở Hà Nội. Thời gian thi dự kiến tổ chức vào tuần đầu tháng 11/2023. Đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Tham gia hội thi hoà giải viên giỏi toàn quốc vòng loại khu vực miền Bắc, đội thi của Hà Nội xuất sắc hoàn thành các phần thi giới thiệu, lý thuyết và hoà giải khéo với điểm số cao. Tại phần thi tiểu phẩm, đội thi Hà Nội lựa chọn một trong những tình huống hoà giải phổ biến tại Việt Nam nhưng lại rất nhạy cảm và không hề dễ dàng trong việc hoà giải đó là hoà giải tranh chấp di sản, tài sản của cha mẹ nhưng không có di chúc.

Tại đây, 3 hoà giải viên phải đối diện với tình huống một gia đình cha mẹ đã mất, chỉ còn lại anh trai, em ruột và chị dâu. Theo những trao đổi của 2 anh em, người anh trai đầu tiên đồng ý sang tên lại ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Ngọc Vũ cho người em gái hoàn cảnh khó khăn, còn vợ chồng mình sẽ trông coi ngôi nhà lớn của cha mẹ để tiện hương khói. Tuy nhiên, người vợ không đồng ý. Người em trước đó đã được anh trai đồng ý nhưng nay người anh lại nghe vợ và không làm theo như những gì hai anh em đồng thuận nên xảy ra cãi cọ, động tay chân giữa em chồng - chị dâu.

Nhận được tin cãi vã, 3 hoà giải viên đã tới nhà, dùng lí lẽ và tình cảm để hoà giải. Dưới sự hoà giải, phân tích thấu tình đạt lý của các hoà giải viên, vụ việc đã được giải quyết nhanh chóng. Chị vợ thậm chí còn giục chồng đi sang tên nhà cho em gái ngay và luôn trong tình cảm và vui vẻ.

Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách "thấu tình đạt lý".

Hội thi khu vực phía bắc diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/9 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp (thành phố Hải Phòng).

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4 năm 2023 được tổ chức 2 vòng thi: vòng thi khu vực và vòng thi toàn quốc.

Vòng thi khu vực tổ chức 3 khu vực: phía bắc gồm 26 địa phương tổ chức tại Hải Phòng; khu vực miền trung-Tây Nguyên gồm 17 địa phương tổ chức tại Khánh Hòa; khu vực phía nam gồm 20 địa phương tổ chức tại Tây Ninh.

Kết thúc vòng thi khu vực sẽ chọn các đội đoạt giải nhất, nhì, ba tham dự vòng chung kết tổ chức tại Hà Nội dự kiến vào tuần đầu tháng 11/2023./.

Văn Thiện