Thời kỳ số hóa và âm nhạc chữa lành
Sáng ngày 15/9/2023, tại Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu về âm nhạc thời kỳ số hóa và âm nhạc chữa lành. Đến dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo nhạc sĩ, hội viên.
Âm nhạc trong thời kỳ số hóa
Trong thời đại số hóa với nền công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ trên thế giới, việc cập nhật và ứng dụng công nghệ số vào quá trình sáng tác âm nhạc ở Việt Nam nói chung và với các nhạc sĩ ở Hà Nội nói riêng dường như vẫn còn nhiều mới mẻ. Nhân buổi sinh hoạt chuyên đề, Ban Chấp hành Hội Âm nhạc đã mời nhạc sĩ Trần Việt Hưng đến cùng chia sẻ với các nhạc sĩ, hội viên về việc vận dụng số hóa vào âm nhạc.
Số hóa là một dạng chuyển đổi thông tin từ các dạng vật lý, hữu hình sang dạng kỹ thuật số, sau khi thông tin đó được xử lý bằng các phần mềm và đưa lên hệ thống máy tính…
Để một ca khúc được hoàn thiện, các nhạc sĩ sẽ cần viết lời ca, chép nhạc, thu thanh, hòa âm, mời ca sĩ hát… và nhiều khâu khác trong quá trình sản xuất. Nhạc sĩ Trần Việt Hưng cho biết, trong thời đại số hóa, các nhạc sĩ có thể vận dụng công nghệ hỗ trợ phần nhiều cho các công đoạn này.
Đề cập tới ứng dụng Chat GPT, nhạc sĩ Trần Việt Hưng cho rằng các nhạc sĩ có thể vận dụng ứng dụng này để hỗ trợ việc viết lời cho ca khúc. Và nhạc sĩ đã trực tiếp sử dụng Chat GPT để dẫn chứng cho việc ứng dụng này có thể theo lệnh mà… sáng tác lời thơ/ nhạc theo chủ đề/ đề tài nhất định.
Ngoài ra, nhạc sĩ Trần Việt Hưng cũng giới thiệu các phần mềm chép nhạc phổ biến, bao gồm các phần mềm miễn phí (Muscore) và phần mềm trả phí (Encore, Finale, Sibelius, Staf PAD, Notion 6…); phần mềm thu thanh miễn phí (Cakewalk BanLAB) và phần mềm trả phí (Cubase, Logic, Studio One…) cùng những phần mềm hòa âm tự động khác.
Nhạc sĩ Trần Việt Hưng lưu ý Chat GPT hay các phần mềm công nghệ cũng chỉ góp phần hỗ trợ cho quá trình sáng tác của các nhạc sĩ đỡ vất vả hơn chứ hoàn toàn không thể thay thế. Bởi vì, chính người nhạc sĩ vẫn cần phải tự “biên tập” lại những gì mà công nghệ đã soạn thảo sẵn theo gợi ý chủ đề/ đề tài.
Âm thanh chữa lành - sự kỳ diệu của âm nhạc
Trong bối cảnh xã hội số hóa toàn cầu như vậy, công nghệ và các kênh đa phương tiện phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mang đến nhiều lợi thế hỗ trợ quá trình sáng tạo của con người. Song không thể phủ nhận những mặt trái mà đỉnh cao công nghệ đã tác động đến đời sống tinh thần của con người. “Nhất là sau những đợt chiến tranh, đặc biệt là sau Covid-19, thế giới đã quan tâm tới tâm lý, tới sức khỏe tinh thần nhiều hơn”, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nhận định. Anh cũng cho hay: “Âm nhạc chữa lành” như một phương thuốc chữa bệnh, đang là xu hướng trên thế giới và tại Việt Nam cũng đang được quan tâm. Bản thân giọng hát con người đã là một “nhạc cụ”, một “nhạc cụ” tinh tế nhất và sống động nhất”.
Chia sẻ về “âm nhạc trị liệu - chữa lành”, bác sĩ, nhạc sĩ Trọng Lưu cho rằng: Âm thanh nói chung và âm nhạc nói riêng, từ xưa đã có sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người, từ cộng đồng đến cá nhân. Và cũng theo ông: “Về khoa học, âm nhạc là một dạng sóng âm thanh (bản chất là sóng vật lý), một dao động cơ học có tính đàn hồi, tác động đến cơ thể con người thông qua thính giác, các giác quan khác để chuyển hóa thông tin về não bộ. Từ đó có thể gây nên trạng thái hưng phấn, ức chế, vui, buồn hoặc không có cảm xúc gì đặc biệt…”.
Lịch sử trên thế giới nói chung và cụ thể ở nước ta đã chứng minh chuyện âm nhạc có tác động lớn tới tâm trạng, tình cảm, cảm xúc, tư tưởng của người nghe - đó là âm nhạc trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của ta đã tiếp sức mạnh đáng kể cho tinh thần quân dân ta để đi đến ngày chiến thắng. “Đó là những ca mổ thường bị thiếu thuốc giảm đau/ gây tê. Và ngay lúc ấy, chính nhờ những người y tá cất tiếng hát, đã làm dịu cơn đau của những bệnh binh. [...] Trong các khoa tâm thần kinh tại một số bệnh viện ở nước ta, đã có ứng dụng âm nhạc (piano) trong điều trị cho các bệnh nhân, nhất là đối với các bệnh nhân có hội chứng lo âu, trầm cảm…”, bác sĩ, nhạc sĩ Trọng Lưu khẳng định.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cho biết: “Âm nhạc trị liệu/ chữa lành (music therapy), hay còn được biết đến với từ khóa “healing” (chữa lành) gắn liền với các healer (người chữa lành). Âm nhạc trị liệu/ chữa lành mang hình thức hỗ trợ, giúp người bệnh có thêm năng lượng tích cực trong quá trình chữa bệnh. Vậy khi nào thì ta cần trị liệu bằng âm nhạc? Trong xã hội có đời sống cao như hiện nay, đồng nghĩa với những deadline chạy dài cần hoàn thành, các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… tạo thành áp lực, những cơn stress, rối loạn lưỡng cực,... Không chỉ phương Tây, mà phương Đông đã sử dụng âm thanh/ âm nhạc trị liệu từ rất lâu. Đơn giản từ những âm thanh như tiếng chim hót, suối chảy, tiếng chuông gió… Những xung động tích cực này tác động vào màng nhĩ, vào các giác quan… đem lại sự thư giãn, thoải mái cho tinh thần, giúp mang lại cảm giác bình yên, giải tỏa căng thẳng, áp lực và những bệnh tâm lý…”.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, trong Đông y, các thầy thuốc chủ yếu dựa trên ngũ hành để hình thành nên hệ thống âm nhạc ngũ cung, dựa trên nguyên tắc tương sinh - tương khắc của ngũ hành, ứng với các bộ phận của con người. Từ đó, người ta sử dụng ngũ cung để chữa bệnh theo từng trường hợp tương ứng. Và trên thế giới, “voice healing” (âm thanh chữa lành) phổ biến là chuông xoay (Nepal và vùng Hymalaya, đã có lịch sử hàng nghìn năm) mang đến một tần số rung động chữa lành nhất định…
Thay mặt Ban Chấp hành Hội, nhạc sĩ Bá Môn - Chánh Văn phòng Hội kết luận: Số hóa âm nhạc vô cùng quan trọng trong thời đại công nghiệp âm nhạc phát triển như bây giờ. Tuy nhiên, để có thể vận dụng trọn vẹn số hóa, mỗi nhạc sĩ cần biết vận dụng công nghệ như một trợ thủ đắc lực.
Điều đặc biệt là âm nhạc không chỉ có “năng lực” kéo gần khoảng cách giữa người với người, mà còn có khả năng chữa trị bệnh lý tâm thần con người trong thời đại căng thẳng đầy tổn thương tâm lý. Sự kỳ diệu của âm nhạc dường như còn là một chân trời mênh mông./.