Chùa Thiệu Long (huyện Phúc Thọ)
Tên thường gọi là chùa Mỹ Giang, tên chữ là Thiệu Long tự, thuộc thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây,
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chùa đã có từ lâu đời. Những năm đầu công nguyên, khi Đỗ Tế Công lập hành cung ở đây đã đem tâm đức cùng nhân dân xây dựng chùa tại đất miếu và đặt tên là “Thiệu Long tự" để làm nơi thờ cúng cha mẹ mình.
Chùa tọa trên trên roi đất hình con rồng, giữa gò đất này là mộ tảng của Thánh phụ và Thánh mẫu. Bên tả dựng gác chuông trống, bên hữu dựng bia đá để làm sự tích. Phong cảnh có vẽ "Long bình hồi tổ", trước mặt có mình đường thủy tụ hội. Biết thể có mạch âm thủy nhiều, nhân dân bèn khai một cái giếng ở đó.
Chùa Thiệu Long quay hướng nam, được xây theo kiểu hình chữ “đinh” hình “chuỗi vồ”, gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện và nhà Tổ. Tiền đường gồm 5 gian xây gạch, hai đầu hồi bít đốc tay ngai, kết cấu kiến trúc theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, kẻ trên 4 hàng chân. Hàng hiên rộng có những bức cốn trên xà chạm khắc hình rồng lá, văn triện, trúc, cúc, hoa lá.
Thượng điện là tòa nhà dọc gồm 3 gian cũng xây tường bít đốc, mái chảy lợp ngói ri mũi mỏng. Kết cấu kiến trúc được làm theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ. Phía trên tòa Tam bảo là hệ thống cửa võng, đại tự được sơn son thếp vàng.
Ngôi nhà Tổ được xây hình chữ “đinh”, gồm 5 gian Tiền tế và 2 gian Hậu cung. Nhà được xây bằng gạch, theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì được làm theo kiểu giá chiêng cột trốn.
Chùa Thiệu Long hiện còn lưu giữ 35 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật của các thời Lê, Nguyễn, 6 tấm bia đá, 1 quả chuông đồng thời Nguyễn, 4 đôi lọ lục bình thời Thanh (Trung Quốc) và một số câu đối.
Chùa Thiệu Long đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02