Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Thiên Phúc (quận Nam Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 15:16

Chùa Thiên Phúc hiện nay thuộc thôn Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km.

chua-thien-phuc-ntl.jpg
Chùa Thiên Phúc

Chùa có tên chữ là Thiên Phúc tự, tên nôm là chùa Phú Thứ. Theo hồi ức của nhân dân địa phương, chùa Thiên Phúc được xây dựng từ rất lâu đời và gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá tinh thần của làng. Văn bia, chuông đồng tuy không còn ghi lại thời điểm ra đời cụ thể của ngôi chùa song các pho tượng cổ có niên đại thời Lê Trung Hưng đã khẳng định sự tồn tại của di tích ở thế kỷ XVII - XVIII.

Chùa Thiên Phúc được xây dựng trên khu đất rộng, trong khu vực cư trú của dân làng. Các kiến trúc bộ phận được quy hoạch theo hướng tây gồm một cổng nhỏ, chùa chính và đền Mẫu. Bao quanh các nếp nhà là vườn cây xanh cùng một ao nhỏ để tạo cảnh quan và không gian tĩnh lặng nơi cửa thiền.

Cổng vào có quy mô nhỏ, xây gạch vòm, mái chồng diêm 2 tầng với các ống đao cong. Qua cổng theo đường gạch nhỏ dẫn vào khu chùa chính và nhà Mẫu.

Chùa chính có quy mô kiến trúc lớn hình chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện.

Tiền đường là một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi, bít đốc, tay ngai. Mái lợp ngói ta, loại ngói mỏng, mũi hơi nhô lên. Bờ nóc, bờ dải đắp dạng bờ đinh, chính giữa bờ nóc có hai con rồng chầu mặt trời lửa. Lòng nhà chia thành 2 dĩ không đều nhau.

Toà tiền đường có hàng hiên hẹp, tương ứng với 5 khoảng hoành. Sát với 2 tường hồi đặt hai tấm bia đá ghi việc thờ hậu Phật những người có công đức với dân, với ngôi chùa làng.

Thượng điện là toà nhà dọc xây theo kiểu nhà 4 mái với các đạo cong bay ngược lên.

Khu thờ Mẫu được xây dựng ở bên phải sân gạch nhỏ trước Tiền đường, gồm 3 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Sát tường hậu xây bệ thờ làm nơi toạ lạc của các Công chúa Liễu Hạnh và Tiên nữ Quỳnh Hoa, Quế Hoa.

Nhà Tổ gồm 3 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các vì được làm giống nhau dạng vì kèo quá giang. Sát tường hậu của gian giữa xây bệ cao để làm nơi thờ tự.

Chùa Thiên Phúc còn bảo lưu được bộ di vật rất phong phú và có giá trị lịch sử cao: Một quả chuông đồng đúc năm Thành Thái thứ 6 (1894), hai bia đá thời Nguyễn, hai hạc thờ bằng đồng, các bức hoành phi, câu đối. Đặc biệt do kết cấu gỗ của kiến trúc chùa ít được chạm khắc trang trí nên điêu khắc nghệ thuật của chùa Thiên Phúc được thể hiện tập trung qua hệ thống tượng tròn. Các pho tượng tròn được tạo tác tỉ mỉ, công phu.

Chùa Thiên Phúc đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)