Chùa Thiên Phúc (quận Hoàn Kiếm)
“Thiên Phúc tự” - chùa Thiên Phúc còn được gọi là chùa An Trung hay chùa “Tây Cứ”, thuộc số nhà 94 phố Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
An Trung là tên làng thời Lê - Nguyễn ở khu vực này, giờ đây chỉ còn được nhắc đến trong sách vở cùng với những cái tên Cửa Nam, Tràng Thi... Vì thế, chùa An Trung là dấu tích vật chất duy nhất có thể cho biết về một làng xưa ở sát cửa nam Hoàng thành Thăng Long. Chùa của làng An Trung, đương nhiên là do dân làng lập nên và niên đại khởi dựng hẳn là vào khoảng cuối thời Lê, đầu Nguyễn.
Theo nội dung tấm bia đá duy nhất trong chùa: “Thiên Phúc tự bỉ” lập vào năm Khải Định thứ 7 (1922) - năm có tu sửa chùa - thì ngôi chùa lúc đó thật là to lớn, khang trang.
Văn bia này do lão cư sĩ Sơn Phúc Thanh Đình Đỗ Lý soạn, còn cho biết: có bà goá là Bùi Thị Bốn, hiệu Diệu Tín nói rằng nơi điện này xưa kia thờ chư vị linh tính, cách đây 30 năm về trước do chồng bà là Aemixăng (người Pháp) bỏ tiền ra tu bổ lại, nay bà lại “xuất tiền nhà mở rộng cảnh chùa, hết một tháng mới làm xong”. Bà Bùi Thị Bốn chính là người được gọi ghép thành tên “chùa Tây Cứ” - chẳng hiểu là vì bà có khuôn mặt không được dễ coi lắm hay là do bà lấy một “ông Tây” nên bị nhân dân gọi một cách miệt thị, dù bà đã bỏ công, của ra tu bổ chùa, điện. Vậy là từ xưa, chùa Thiên Phúc là nơi thờ Phật và thờ Mẫu, cho đến khoảng năm 1890 đã được tu tạo lại, chủ yếu là điện thờ Mẫu và đến 1922 lại được sửa sang lần nữa.
Chùa Thiên Phúc có Tam quan nằm ở cuối hè dọc theo mặt phố rất khớp với quy hoạch đường phố thời Pháp. Hơn nữa, đặc điểm về kiến trúc và trang trí trên cả Tam quan chùa và điện cũng cho biết niên đại của lần tu sửa ở đầu thế kỷ XX đó. Cả chùa và điện đều có mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh”.
Trong chùa, gây chú ý hơn cả là Phật điện trang hoàng khá lộng lẫy với bức cửa võng được chạm thủng “lưỡng long chầu nhật”, gắn với hai bên là cột chạm rồng và “long mã hà đồ, thần quy lạc thư” - những hình tượng gắn với thuyết âm dương ngũ hành một học thuyết cổ xưa phương Đông, được thể hiện khá nhiều trong kiến trúc cổ.
Các pho tượng Phật được đặt trên bệ thờ gồm 4 lớp, có kích thước vừa phải và được tạo tác bằng gỗ, bằng đất luyện, sơn son thếp vàng, có dáng mặt kiểu Á Đông với vẻ đẹp thật dung dị, gần gũi.
Trong toà Tiền tế, ta còn thấy tượng Đức Thánh Trần (theo chú thích ngay chân tượng).
Do những biến động của lịch sử và thời gian chùa Thiên Phúc đã bị xuống cấp. Chùa đã được trùng tu tôn tạo lớn vào năm 2007 - 2008 khá khang trang, bề thế và đẹp.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02