Chùa Thanh Xuyên (huyện Phú Xuyên)
Chùa Thanh Xuyên hiện nay tọa lạc tại xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Từ trung tâm quận Hà Đông đi theo đường Văn Điển tới Quốc lộ 1A, đi thẳng tới ga Tía, tiếp tục rẽ phải vào đường 73 đi đến cầu Đông Quan, rẽ trái theo đường bờ đê khoảng 3km là tới thôn Thanh Xuyên. Thôn Thanh Xuyên thuộc xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội hiện tồn 2 di tích cổ là ngôi đình và ngôi chùa. Ngôi chùa có tên là chùa Thanh Xuyên, tên chữ là “Tân Phúc tự”.
Ngôi chùa toạ lạc trên một gò đất cao hướng tây nam, phía bắc giáp sông Nhuệ, phía nam giáp ao đình, phía sau là đền Thượng tạo thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của dân làng Thanh Xuyên.
Ngôi chùa xây theo kiểu nội công ngoài quốc, gồm các hạng mục: Tam quan kiêm Gác chuông, Tiền đường, Ông muống, Thượng điện và các công trình phụ trợ,
Toà Tiền đường với 5 gian 2 chái, trên mặt bằng 4 hàng chân, các bộ vì kiểu: “Thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bảy hiện". Nhà Ống muống nối giữa toà Tiền đường và Thượng điện, các bộ vì theo kiểu vì kèo quá giang. Toà Thượng điện gồm 3 gian, mái lợp ngói ri, các bộ vì kiểu: “Thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền".
Trên Tam bảo chùa Thanh Xuyên hiện lưu giữ 15 pho tượng có niên đại thời Lê, một số có niên đại thời Nguyễn. Đáng chú ý hơn cả trong hệ thống di vật của chùa là tấm bia đá có niên đại thời Trần, đời vua Trần Thánh Tông, niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1270). Tấm bia dẹt, chia làm 3 khoang, các hoa văn trang trí xung quanh riềm bia là hoa cúc dây, dưới đế có hoa văn là hình sóng nước, đề tài quen thuộc thời Trần. Đây là di vật quý và có giá trị cao giúp các nhà nghiên cứu về văn bia thời Lý - Trần cần được bảo vệ và giữ gìn. Đồng thời đây cũng là nguồn tư liệu quý khẳng định ngôi chùa đã ít nhiều cũng có dấu tích từ thời Trần, được dân làng quan tâm xây dựng khang trang ngay từ ngày đó.
Trong chùa hiện còn lưu giữ một bản thần tích nói về ông Nghiêm Đạt, dưới triều Lý đã đem tâm đức và tiền của cùng với nhân dân xây dựng ngôi chùa. Ngoài ra còn có 3 đạo sắc phong triều Nguyễn, phong cho ông Nghiêm Đạt có công lao xây dựng chùa, được dân làng Thanh Xuyên tôn làm vị thành hoàng làng.
Bên cạnh hệ thống di vật bằng đá, bằng gỗ, bằng giấy, chùa còn lưu giữ được hệ thống di vật bằng chất liệu đồng có giá trị. Tiêu biểu là quả chuông đồng có tên là “Tân Phúc tự chung”, niên đại Nguyễn, thời vua Gia Long thứ 15 (1816).
Cùng niên đại Nguyễn nhưng đời vua Gia Long thứ 10 (1811), chùa còn lưu giữ được tấm bia “Học điền bi ký” hiếm thấy trong làng. Nội dung tấm bia ghi về việc làng dành ra các suất để thưởng cho con em trong làng mà đỗ đạt cao. Trong đó có đoạn: “Ấp ta vốn thuộc đất văn hiến, phong tục dân thuần phúc, giáo hoá rộng khắp... Ấp ta không nhỏ, làng xóm đẹp đẽ, phong tục, kẻ sĩ hết thảy thành tài, điều đó tất là do việc học vậy...”.
Chùa Thanh Xuyên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02