Chùa Thanh Ninh (quận Ba Đình)
Chùa Thanh Ninh còn gọi là chùa Am Cây đề ở số nhà 2 phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Thanh Ninh là tên làng được dùng để gọi tên. Tên Chùa Am Cây đề được gọi năm Cảnh Hưng 7 đời vua Lê Hiến Tông (1746) khi một viên quan họ Trịnh cho xây một am nhỏ dưới gốc cây bồ đề trước cửa chùa.
Chùa thờ Phật, ngoài ra còn có đền Ngọc Thanh là nơi thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cùng các thân quyến. Tương truyền chùa được xây từ đời vua Lý Thái Tông niên hiệu Thiên Thành (1031) và là một trong 95 ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta thời bấy giờ. Dấu tích khởi dựng không còn nữa, năm Cảnh Hưng nguyên niên (1739) chùa được dựng lại đơn sơ nên có tên gọi là “Chùa Cỏ”. Từ thời Lê về trước, khu vực quanh chùa là nghĩa trang của kinh thành, vì thế nên viên quan họ Trịnh mới xây dựng am nhỏ để thờ các cô hồn. Theo dân gian, vào đầu xuân Kỷ Dậu, một số thi hài của nghĩa quân Tây Sơn hy sinh khi giải phóng thành Thăng Long đã được an táng quanh chùa.
Chùa được xây trên một khu đất cao, trước đây là một khuôn viên rộng rãi, có nhiều cây cổ thụ. Hiện nay, chùa gồm Tam quan, đền Ngọc Thanh và toà Tam bảo. Tam quan có 3 cổng nhỏ, trên có 4 mái nhỏ. Đền Ngọc Thanh nằm theo hướng bắc, trông thẳng ra cổng. Đền có kiến trúc hình “chuôi về” gồm Bái đường 5 gian, Hậu cung 3 gian. Đền lợp ngói ta, hai đầu xây kiểu bít đốc, các vì làm kiểu kèo quá giang, tường gạch quây quanh.
Toà Tam bảo của chùa cũng hình “chuôi về” gồm Tiền đường 5 gian, Hậu cung 3 gian. Chùa dựng trên nền cao, quay hướng đông nam, xây kiểu tường hồi bít đốc. Các vì kèo làm nhiều dạng khác nhau (có thể đã sửa chữa nhiều lần). Ở Tiền đường vì kèo làm kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”. Các vì kèo có chạm hoa lá, vân mây xoắn, tứ linh, tứ quý.
Chùa hiện còn giữ được 35 pho tượng tròn, 12 pho ở đền Ngọc Thanh, 3 đôi lọ lộc bình sứ, 1 đôi choé sứ men trắng vẽ lam, 4 long ngai, 2 cửa võng, 5 hoành phi, 1 ống bút, 1 chuông đồng đúc niên hiệu Cảnh Thịnh (1797) có tên là “Thanh Ninh tự hồng chung”.
Năm Gia Long 7 (1808) sư cụ Tịch Quang trụ trì tại chùa đã cho trùng tu, tô tượng và đúc chuông. Tấm bia “Thanh Ninh thiền tự bi ký” do tiến sĩ Phạm Quý Thích soạn năm 1779 có ghi: “Bên ngoài cửa tây thành Thăng Long nước ngọt mà đất thì hoang vu, chùa Thanh Ninh ở đó”. Đến năm Khải Định 8 (1923) chùa lại được trùng tu. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị giặc đốt phá. Năm 1949, sư cụ Đàm Thìn đã cho xây lại chùa và đền Ngọc Thanh, vì vậy dấu tích cũ không còn nữa.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02