Chùa Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng)
Chùa Thanh Nhàn có tên chữ là Linh Sơn tự, xưa thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện thọ Xương, hiện ở số 1, ngõ 33 đường Trần Khát Trân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo tấm bia trụ tại chùa, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1721) thì ngôi chùa này ít nhất cũng đã được xây dựng từ thời Lê. Chùa có quy mô lớn, Tam quan được thể hiện theo kiểu cột trụ, có một cổng chính. Qua Tam quan và một sân gạch rộng là tới chùa chính. Chùa chính toạ lạc trên một vị trí cao nhất, quay hướng nam, nhìn ra sân và ao sen của chùa. Chùa kết cấu kiểu chữ “đinh”, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp bức đại tự “Linh Sơn tự”. Bái đường 5 gian, bộ khung mái bằng gỗ lim, có 12 cột gỗ lim cao 4,5m, chu vi 0,9m, 6 cột hiện xây gạch, Hậu cung 4 gian nối liền với Tiền đường, có 6 cột gỗ lim cao 4,5m, chu vi 0,9m tạo cho hậu cung sự thoáng rộng. Chùa chính được trang trí với các chủ đề và hoạ tiết mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn như thân trúc mai, hoa văn triện, hoa lá trên các cốn mê, đầu xà... Nhà Tổ 5 gian, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, 3 gian giữa cửa bức bàn. Nhà Mẫu xây sau chùa, hướng nam, 5 gian, 6 bộ vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng. Đây là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh.
Chùa Thanh Nhàn còn bảo lưu được một khối lượng di vật phong phú về số lượng và có giá trị nghệ thuật cao. Điển hình là 9 tấm bia đá, sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Thịnh (1721), kiểu dáng như cây hương đá, vuông 4 cạnh, cao 1,6m, mỗi cạnh rộng 0,25m. Bia muộn nhất là năm 1936. Hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Tổ gồm 61 pho lớn nhỏ (có 2 pho bằng đồng) được chế tác công phu. Hai quả chuông đồng, một quả lớn, cao 1,55m, đường kính miệng 0,65m, được đúc năm 1848. Các hoành phi, câu đối đều mang dấu ấn thời Nguyễn. Chùa Thanh Nhàn còn là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động, in ấn tài liệu bí mật của Đảng những năm 1947 - 1949.
Chùa Thanh Nhàn đã được UBND Thành phố Hà Nội quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02