Chùa Thanh Nhàn (quận Đống Đa)
Chùa Thanh Nhàn có tên chữ là Thanh Nhàn tự, nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo tấm bia “Nghĩa Phê tại đình bi ký” (bài ký về việc dựng đền Nghĩa Phê) dựng năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hoà 13 (1692), hiện nay còn được bảo lưu tại trụ sở công an phường Ô Chợ Dừa thì đình Nghĩa Phê nằm ở giữa, phía bên phải đối diện chùa Thanh Nhàn, phía trái cao ngang đàn Xã Tắc. Trên tấm bia trụ 4 mặt “Cao Sơn Hưng miếu” (Miếu Cao Sơn và Tây Hưng) dựng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, đời vua Chính Hoà (1680 - 1705) có đoạn: “Đình Đông cách bên hữu về phía Bạch Hồ, dãy núi bao bọc, đỉnh cao ngang xấp xỉ chùa Thanh Nhàn”. Như vậy, vào khoảng thế kỷ XVII đã có ngôi chùa Thanh Nhàn khá bề thế. Sang thế kỷ XVIII, chùa bị hư hại. Có một vị tướng quân họ Đỗ làm Thái bảo triều Lê đã đứng ra sửa chữa chùa, hiện còn bia đá và tượng quan Thái Bảo ở chùa. Đầu thế kỷ XIX, năm 1810, thời nhà Nguyễn đã cho tu sửa, đúc chuông. Năm 1895, chữa Tam bảo; năm 1901 sửa Hậu cung.
Chùa Thanh Nhàn hiện nay còn toà Tam bảo, kiến trúc hình chữ “đinh”, Tiền đường 3 gian 2 chái, thượng điện 3 gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật và tượng Phật có giá trị.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02