Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Thanh Lãm (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 13/09/2023 10:12

Chùa Thanh Lãm hiện nay tọa lạc tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội.

chua-thanh-lam-hd.jpg
Chùa Thanh Lãm

Chùa Thanh Lãm có tên chữ là Lịch Sùng tự. Trước Cánh mạng tháng Tám năm 1945, địa danh này có tên là trang Thuần Lãm, Thanh Khê rồi sau đó mới gọi là Thanh Lãm. Tên này được ghi trong tấm bia Linh Tiên miếu thư vận có niên đại Dương Hoà 3 (1637). Tên Thuần Lãm còn tồn tại đến năm Tự Đức 10 (1857).

Chùa Thanh Lãm thờ Phật theo phái Đại thừa. Hệ thống tượng Phật ở đây được bài trí thành 6 lớp với tổng số 35 pho ở chùa chính và 4 pho ở nhà Tổ. Tượng được tạo tác hầu hết bằng gỗ mít và sơn phủ rất công phu. Ngoài ra còn một số tượng đất và bột giấy. Đặc biệt là bộ tượng Thích Ca cửu long mang nhiều nét nghệ thuật dân gian. Tượng có nhiều hình khối, đường nét từng gặp ở chùa Mía (Sơn Tây), chùa Tây Phương (Thạch Thật) gần gũi với con người. Đây là một bộ tượng hiếm có niên đại thế kỷ XVII. Hai pho tượng Hộ pháp được làm với kết cấu to lớn, đặt ở toà Tiền đường. Hai pho này làm bằng đất luyện với giấy, ngồi trên lưng Thanh sự và Bạch tượng sống động.

Chùa Thanh Lãm có kết cấu chữ "đỉnh”, toà Tiền đường quay hướng nam nhìn ra cánh đồng lúa. Chùa có Tam quan quy mô bề thế, trên treo quả chuông thời Tây Sơn niên hiệu Quang Trung 2. Chuông cao 1,2m, đường kính 0,6m, cù lao chuông là khối tượng rồng, xung quanh khắc minh văn và những hoa văn đồng tiền, hoa chanh. Bên chùa có vườn tháp. Chùa có hai hạng mục chính là Tiền đường và Thượng điện. Hoạ tiết trang trí ở đây nói chung không nổi trội, vật liệu gỗ chủ yếu là gỗ lim. Chùa còn lưu giữ được 6 tấm bia Hậu phật ở bên tả toà Tiền đường có niên đại Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định.

Chùa Thanh Lãm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)