Thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:23, 20/12/2020

Ngày 20/12/2020, Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực đã được tổ chức tại Hà Nội. Đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế đã tham gia Hội thảo, luận bàn nhiều vấn đề quan trọng của ngôn ngữ học Việt Nam, trong đó không ít học giả báo cáo, thảo luận trực tuyến.

Hội thảo tập trung giới thiệu và thảo luận những thành tựu của ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng của ngôn ngữ học thế giới và khu vực.

Theo ban tổ chức, gần 190 báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước gửi đến hội thảo, trong đó có những tác giả nước ngoài đến từ Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan...

Phiên toàn thể có 3 báo cáo quan trọng được lựa chọn, phản ánh phần nào những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết cả về lí thuyết lẫn thực tiễn của GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, GS Mark Alves (Đại học Montgomery - Mỹ) và báo cáo của TS. Phạm Hiển

Cùng với đó, Hội thảo còn có các phiên báo cáo và thảo luận ở 5 tiểu ban: Ngôn ngữ học lí thuyết, Ngôn ngữ - văn hóa, Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt và Ngôn ngữ học ứng dụng.

Từ các báo cáo, kết quả nghiên cứu được trình bày ở các tiểu ban hay ngay tại phiên toàn thể, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn, cởi mở và dân chủ.

Đó là vấn đề tiếp tục vận dụng các lí thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm phong phú kho tàng lí luận của ngôn ngữ học thế giới. Hay vấn đề xem xét lại một số vấn đề về ngữ pháp, cần thiết thì thay đổi tên gọi. Chẳng hạn, tên gọi “loại từ” đã đem đến cách hiểu không chuẩn xác, vì thế cần tính đến khả năng thay thế bằng thuật ngữ danh từ đơn vị (unit noun) hoặc thuật ngữ danh từ đơn vị đo lường (measure word) để tránh được sự ngộ nhận về chức năng “phân loại” do thuật ngữ “loại từ” gây nên.

Hoặc vấn đề bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; vấn đề nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, cần làm rõ hơn các vấn đề về cội nguồn, cơ tầng và sự tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt. Ở đây cũng cần cân nhắc để thấy ảnh hưởng của từ vựng Sinitic/Hán trong từ vựng tiếng Việt không thực sự ở mức độ mạnh mẽ, do trọng lượng của dữ liệu từ vựng Nam Á và Vietic được thu thập gần đây.

Hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế lần thứ IV: Thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại

Toàn cảnh Hội thảo Ngôn ngữ quốc tế lần thứ IV. Ảnh: HT


Nhất là việc đánh giá lại vấn đề giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt gắn với chuẩn hóa tiếng Việt trong tình hình, bối cảnh xã hội mới, do sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn hiện đại, hướng đến xây dựng và ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.

Hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế đã được Viện Ngôn ngữ học tổ chức bốn lần, (2013, 2015, 2017 và 2020). Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng ban tổ chức Hội thảo, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, qua các công trình được công bố gần đây, đặc biệt qua danh sách hơn 700 báo cáo tham dự các Hội thảo, có thể thấy bên cạnh những nghiên cứu rất cơ bản với các cách tiếp cận đã có trước đây, trong thời gian qua, những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam đã tiếp thu, áp dụng một cách sáng tạo và có phát triển các lí thuyết, đường hướng của ngôn ngữ học hiện đại vào nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

“Với “Hội thảo “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực” là diễn đàn khoa học để các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cùng với các nhà ngôn ngữ học thế giới quan tâm đến Việt Nam tập hợp và thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, trình bày và đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới.” – GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Miên Thảo