Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Sở (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 11/09/2023 10:09

Chùa Sở còn gọi là chùa Phúc Khánh toạ lạc tại nhà số 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.

chua-so-dd.jpg
Chùa Sở

Vì sao có tên là chùa Sở? Thời Lê có một Sở đồn điền của triều đình tại đây gọi là Thịnh Quang Sở.

Về kiến trúc, ngôi chùa này có Tam quan làm kiểu hai tầng, phía bên trên làm kiểu gác chuông. Hai bên Tam quan xây hai trụ biểu, phía trên mỗi trụ đắp hình con sấu chầu vào nhau. Qua Tam quan, đến sân chùa. Tam bảo là một khu nhà gồm: Tiền đường, Hậu cung có kết cấu mặt bằng kiến trúc kiểu hình “chuôi về”. Nhà Tiền đường có 5 gian làm theo kiểu “đầu hồi bít đốc”. Chính giữa bờ nóc đắp nổi một hình cuốn thư, một bên hình thanh kiếm, một bên hình bút lông. Nhà Tiền đường có 4 hàng chân, vì kèo kết cấu kẻ chuyền giá chiêng. Các bức cốn, nách được chạm khắc tứ quý (long, ly, quy, phượng). Trong chùa còn có 6 cột đá vuông, chung quanh cũng chạm đề tài tứ quý. Hậu cung có 3 gian, vì kèo làm kiểu chồng rường. Nhà Tổ có 4 gian, vì kèo làm kiểu kẻ chuyền.

Chùa Sở có khoảng 20 pho tượng. Các nhà nghiên cứu cho rằng đến nay chưa phát hiện một ngôi chùa nào thời Tây Sơn có hệ thống tượng Phật đẹp như chùa Phúc Khánh. Các nghệ nhân đã tạo hình khối khoẻ, mảng lớp cách điệu, gồ ghề, gân guốc để biểu hiện nội tâm của các pho tượng La Hán, Kim Cương. Đó là tượng có thần thái, khí sắc gợi tính hiền từ, cao xa...

Đặc biệt chùa Sở còn giữ được quả chuông bằng đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796) dưới thời vua Nguyễn Quang Toản, triều đại Tây Sơn. Bài Minh trên chuông bằng chữ Hán, được dịch như sau: “Chùa Phúc Khánh, trại Thịnh Quang bỗng nhiên gặp nạn binh hoả, phật đài, tịnh xá, nền móng đổ nát...” chứng tỏ chùa có trước ngày đúc chuông. Bài minh ghi tiếp: “... Có vị đồ chùa Trấn Quốc tên là Chiểu Liên đi chơi ghé qua, được dân làng ái mời ở lại để trụ trì. Nhân đó bỏ sức, cúng tiền, khuyến giác thập phương sức cùng bản trại xây dựng lại chùa, mọi việc dần dần hoàn thành”.

Ngoài vườn có mộ hình tháp 9 tầng bằng đá trắng, mỗi tầng chạm nổi tượng Phật toạ thiền. Hai bia vuông có ghi niên đại Chính Hoà thứ 19 (tức năm 1698). Như vậy rõ ràng chùa đã có từ cuối thế kỷ XVII, thời Hậu Lê. Trong những ngày mùng một, rằm, lễ tết, chùa Sở có rất nhiều khách đến cúng tế và tham quan.

Chùa Sở đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)