Người Vũ Lăng đam mê nghề tạc tượng

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 23:22, 25/06/2022

Làng Vũ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) vốn nổi tiếng với nghề sơn, tạc tượng truyền thống. Từ sự tài hoa, cần mẫn, mỗi năm, người Vũ Lăng tạo ra hàng nghìn bức tượng có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Người Vũ Lăng đam mê nghề tạc tượng
Tất cả các bức tượng Phật ở Vũ Lăng đều được chế tác từ lõi của những thân cây mít hàng trăm năm tuổi.

Nỗ lực vực dậy nghề truyền thống

Nghề tạc tượng ở Vũ Lăng có từ rất lâu. Đã có thời điểm nghề bị gián đoạn. Khoảng từ năm 1985-1987, nghề dần được khôi phục, giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, giải quyết nhiều việc làm cho bà con trong vùng. Theo cuốn ngọc phả của làng thì những pho tượng được bài trí trong chùa Vũ Lăng cùng những bức hoành phi câu đối ở đình làng đều do chính những người thợ của làng tạo nên. Bên cạnh đó, sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề còn lưu dấu khắp các đình, chùa của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... Đặc biệt, những pho tượng ở chùa làng Vũ Lăng có tuổi đời 300-400 năm được lưu giữ đều do những thợ giỏi của làng làm nên...

Đến làng nghề Vũ Lăng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, chúng ta đều dễ dàng cảm nhận trong không gian thanh bình của làng quê là âm thanh rộn ràng của máy cưa, máy xẻ, tiếng đục, chạm, mùi thơm của gỗ mít. Được coi là nơi lưu giữ một cách hoàn hảo tinh hoa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam, sản phẩm tượng của làng nghề Vũ Lăng luôn được làm chuẩn mực để đánh giá một bức tượng đẹp về giá trị thẩm mỹ, nhân văn và cả giá trị kinh tế. Sở dĩ, tượng của Vũ Lăng được đánh giá cao bởi mỗi bức tượng đều toát lên vẻ thần thái, uy nghi mà mềm mại, sống động. Mỗi bức tượng là sự sáng tạo, tìm tòi cái mới trong cách thể hiện và mang đậm dấu ấn của người tạc.

Nghệ nhân Phạm Văn Cường sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tượng pháp, hoành phi, câu đối và đồ thờ cúng. Từng rong ruổi khắp các tỉnh phía Bắc đảm nhận phần nội thất của nhiều đền chùa, mỗi khi tạc xong một bức tượng Phật, tượng danh nhân hay góp công tu sửa được một ngôi chùa, ông Cường cảm thấy thanh thản bởi đóng góp sức mình vào việc kế thừa, phát huy truyền thống cha ông gìn giữ “những biểu tượng tâm linh”. Ông cũng là người góp phần không nhỏ trong truyền dạy nghề của ông cha cho thế hệ trẻ trong thôn.

"Làm đồ thờ tự đòi hỏi sự tỉ mẩn, gửi gắm rất nhiều tình cảm, sự trân trọng trong từng sản phẩm. Sản phẩm của làng Vũ Lăng nổi tiếng chính là ở khâu chọn lựa nguyên liệu. Tất cả bức tượng Phật ở Vũ Lăng đều được chế tác từ lõi thân cây mít hàng trăm năm tuổi bởi chỉ gỗ mít mới làm nổi bật vẻ thanh tịnh cho những pho tượng Phật và đồ thờ cúng. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng như quá trình chế tác tạo nên sản phẩm ở Vũ Lăng đòi hỏi người thợ không chỉ tỉ mỉ, sáng tạo, tập trung cao độ mà còn là sự phối hợp nhịp nhàng của cả tập thể lao động từ khâu phạt mộc cho đến khi sơn son, thếp bạc, thếp vàng", nghệ nhân Phạm Văn Cường chia sẻ.

Người Vũ Lăng đam mê nghề tạc tượng
Ở Vũ Lăng hiện có khoảng 450 hộ làm nghề tạc tượng.

Những thế hệ thợ giỏi

Cho đến nay, ở Vũ Lăng có hơn 100 gia đình có 3-4 thế hệ làm nghề. Nghề sơn tạc tượng được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối. Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề tạc tượng nên ngay khi còn nhỏ, Nguyễn Tuấn Tâm đã thể hiện niềm đam mê cùng năng khiếu bẩm sinh với những nét chạm khắc uốn lượn, tinh xảo. Được coi là một trong những nghệ nhân có tay nghề cao ở làng, ông Tâm được người làng gọi với cái tên là Tâm “tượng”. Ông luôn tâm niệm, sản phẩm làm ra phải đạt về chất lượng, giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật. Đến nay, nhiều tượng Phật do ông chế tác đã có mặt trên khắp cả nước. Chính sự đam mê, niềm tự hào về truyền thống văn hóa của làng nghề tạo hành trang quý giá giúp ông Tâm nuôi dưỡng tình yêu nghề, 2 con trai của ông cũng được ông tâm huyết truyền nghề...

Trên nền tảng nghề quý của cha ông, những thế hệ thợ trẻ của làng Vũ Lăng không ngừng cải tiến, áp dụng nhiều phương pháp khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tăng số lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đưa máy móc vào quá trình chế tác không làm mất đi giá trị của nghề thủ công mà còn giúp người làng nghề thuận lợi hơn trong làm nghề và bảo tồn. Bởi vậy, đến nay, hầu hết chủ xưởng ở Vũ Lăng đều là người trẻ, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động trong xã.

Nói về làng nghề Vũ Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Phạm Đình An cho hay, hiện Vũ Lăng có khoảng 450 hộ làm nghề tạc tượng. Nhờ nghề, đời sống người dân ổn định. Tuy nhiên, làng nghề cũng đang tồn tại bất cập do cơ sở sản xuất hầu hết trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Nguyện vọng lớn nhất của người dân Vũ Lăng là địa phương sớm có khu công nghiệp để đưa sản xuất xa khu dân cư. Mặt khác, tuy khá nổi tiếng nhưng hiện sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu, chưa có nhãn hiệu tập thể. Đây là một trong những yếu tố cần được hỗ trợ để làng nghề tiếp tục phát triển cũng như tạo động lực cho các thế hệ thợ trẻ trong làng thêm niềm đam mê trong làm nghề - một nghề thủ công độc đáo mà không dễ địa phương nào có được...

nhipsonghanoi