Chùa Quang Húc (huyện Ba Vì)
Chùa còn có tên theo tên Hán cổ là Hoè Lâm tự, thuộc thôn Quang Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Chùa ra đời từ rất sớm và tiêu biểu cho kiến trúc các ngôi chùa thế kỷ XVII.
Chùa nằm ở phía tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50km.
Chùa toạ lạc trên một khu đất rộng trong khu vực cư trú của làng, ngôi chùa ngày nay gồm 4 hạng mục chính là: Tam quan, chùa chính, hai hành lang và khu điện Mẫu.
Tam quan là công trình kiến trúc theo lối cổ, được xây bằng gạch, phía dưới là một cửa ra vào, phía trên có những vòm cuốn mai cua.
Chùa chính chữ “đinh” gồm Tiền đường và Tam bảo xây trên nền cao 50cm, có tường bao quanh khép kín. Tiền đường 5 gian, hẹp lòng, tường hồi bít đốc tay ngai. Trước nhà có hệ thống cửa bức bàn. Các bộ vì kết cấu chồng rường giá chiêng và bẩy hiện trên 4 hàng cột. Thiêu hương và Thượng điện nối liền nhau thành một nhà dọc, gắn với gian giữa Tiền đường. Các bộ vì Tam bảo theo kiểu thức chồng rường giá chiêng.
Khu điện Mẫu ở phía sau, dàn ngang 7 gian, tường hồi bít đốc tay ngai được đắp nổi đầu rồng chạy về giữa mái.
Trên lớp kiến trúc ở nhà Tiền đường chủ yếu bào trơn, soi gờ chỉ. Ở một số rường, đầu bẩy có chạm hoa văn mây, lá cách điệu. Ở điện Mẫu chỉ trang trí tập trung ở phần mái hiên với các bức chạm trên kẻ, bẩy, còn hiện theo các đề tài: rồng mây, tứ linh, tứ quý.
Hệ thống tượng tròn có 47 pho bằng gỗ và đất luyện. Trong số này có 8 pho thuộc thời Lê Trung hưng. Đó là bộ tượng Tam thế, các pho A Di Đà, Quan Âm chuẩn đề, Tuyết Sơn và Kim Đồng, Ngọc Nữ. Những pho tượng này được thể hiện ở tư thế ngồi thoải mái tự nhiên, khuôn mặt hơi dẹt, mũi thấp, ngực nở, eo thót, cung mày lớn cùng đài sen nở theo thế ngồi, các cánh sen mập, thu gọn về đầu.
Ngoài ra, chùa còn giữ được nhiều di vật quý khác như các hoành phi, câu đối, quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị 6 (1846) và nhiều đồ tế tự khác.
Chùa Quang Húc được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02