Công nghệ điện ảnh trong kỷ nguyên số
Công nghệ điện ảnh có sự thay đổi như thế nào trong kỷ nguyên số; xu hướng thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ trong kỷ nguyên số hiện nay ra sao, và điện ảnh sẽ phải làm gì để thích ứng? Đây cũng chính là nội dung đã được nhiều khách mời bàn thảo trong cuộc tọa đàm “Công nghệ điện ảnh trước xu hướng thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ trong kỷ nguyên số” do Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức mới đây.
Kỷ nguyên số và sự thích ứng của công nghệ điện ảnh
Sự phát triển của khoa học – công nghệ và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng quá trình toàn cầu hóa đã đưa thế giới bước vào kỷ nguyên số. Đây là kỷ nguyên đã làm thay đổi toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung trong đó có các ngành nghệ thuật.
Theo báo cáo Digital 2023 của We Are Social, Việt Nam hiện có 77,93 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% tổng dân số); 70 triệu người dùng mạng xã hội (tương đương với 71% dân số); 161,6 triệu kết nối di động (khoảng 164% dân số). Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ khá lớn.
Đạo diễn, NSND Hà Bắc cho rằng số liệu này đã minh chứng cho sự bùng nổ của thế hệ công dân số toàn cầu, và tất nhiên cũng là những khán/ thính giả số, mục tiêu của điện ảnh và truyền hình đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. “Nhu cầu của công chúng là khai thác được thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân, và khi đó, các nền tảng số tỏ rõ lợi thế so các loại hình báo chí truyền thống như phát thanh, truyền hình. Chỉ với một chiếc smartphone, công chúng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân, họ không cần phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như phát thanh, truyền hình nữa”, NSND Hà Bắc nhận định.
Theo NSƯT, đạo diễn, họa sĩ Phùng Văn Hà, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và công nghệ điện ảnh nói riêng đã tác động đến cấu trúc ngành công nghiệp điện ảnh, làm thay đổi các khái niệm truyền thống về sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi xu hướng, quy trình sản xuất phim từ việc sắp xếp các hình ảnh đã lựa chọn trong một thiết bị sang việc sắp xếp các hình mẫu đã được số hóa của chủ thể trên cơ sở kịch bản đã được số hóa. Việc áp dụng hình mẫu số hóa còn được áp dụng trong phục trang, trong đạo cụ, trong kỹ xảo, trong tạo dựng hiệu ứng khói lửa, âm thanh... thậm chí cả trong tạo dựng bối cảnh. Người ta có thể sử dụng máy quay phim đa chức năng để có thể chuyển những cảnh quay với sự tham gia của diễn viên thật, cảnh quay thật sang những cảnh quay số hóa. Thêm nữa, chính sự phong phú của các phương tiện truyền tải thông tin hiện đại đối với sản phẩm nghe nhìn đưa đến sự cần thiết phải thích ứng của các phương tiện truyền tải nội dung của sản phẩm.
Một ví dụ rõ nhất đã được đã được đạo diễn Phùng Văn Hà đưa ra đó là quãng thời gian 3 năm vừa qua, khi toàn cầu phải đối đầu với đại dịch Covid-19, các rạp chiếu phim tại hầu hết các nước phải tạm ngừng hoạt động, thị phần phổ biến phim thông qua các nhà phát hành phim trên các nền tảng ứng dụng trực tuyến như Netflix, Amazon, Disney,... phát triển mạnh mẽ, lượng người đăng ký các nền tảng trực tuyến của Nettlix, Amazon tăng lên mức kỷ lục.
Đi sâu phân tích sự phát triển của điện ảnh và sự thay đổi khẩu vị thưởng thức của khán giả trẻ trong kỷ nguyên số của toàn cầu hóa, đạo diễn, họa sĩ Huỳnh Vinh Sơn cho rằng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trải nghiệm điện ảnh đã tiến hóa. Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức tiêu thụ nội dung của người xem. Không những thế, khi toàn cầu hóa mở rộng phạm vi của mình, khả năng tiếp cận các bộ phim nước ngoài cũng tăng lên. Điều này cung cấp cơ hội cho giới trẻ để khám phá các nền văn hóa điện ảnh đa dạng, nâng cao sự thưởng thức của họ về điện ảnh như một hình thức nghệ thuật vượt qua biên giới các quốc gia và châu lục.
“Công nghệ làm cho phần nhìn của các bộ phim trở nên hấp dẫn hơn, xu hướng làm phim độc lập phát triển mạnh, và dẫn tới cả sự thay đổi trong quá trình phân phối phim. Đáng chú ý, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như Youtube và TikTok đã làm thay đổi cách thức tiêu thụ nội dung của người xem, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Video ngắn và nội dung được người dùng tạo ra đã thu hút sự yêu thích của khán giả trẻ, hướng sự quan tâm của họ dần tách khỏi điện ảnh truyền thống. Sự hấp dẫn và tương tác của TikTok đã thúc đẩy các hãng phim thay đổi chiến lược tiếp thị của họ. Trailer, cảnh quay hậu trường và nội dung quảng cáo sử dụng tính năng của TikTok để kết nối với khán giả tiềm năng một cách đầy sáng tạo và mới mẻ… TikTok đã biến cách chúng ta đón nhận và tương tác với phim ảnh, khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao sự đánh giá cao hơn về nghệ thuật kể chuyện điện ảnh”, họa sĩ Huỳnh Vinh Sơn nhận định.
Bắt nhịp kỷ nguyên số
Theo ông Hoàng Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (IDK), Tổng giám đốc - Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L (DLCorp), công nghệ có ảnh hưởng rất lớn tới các giai đoạn làm phim từ phát triển - tiền sản xuất - sản xuất - hậu kỳ - phân phối. Đáng chú ý, ngành điện ảnh đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi các ngành cung cấp nội dung khác. Người xem, đặc biệt là giới trẻ có nhiều lựa chọn nên dù phim có hay, nội dung có tốt mà không đúng thời điểm, không truyền tải thông điệp được đúng và không đúng kênh phân phối cũng sẽ thất bại. Cũng bởi thế công nghệ trong phân tích nhu cầu, đánh giá sở thích và tiếp cận người xem quan trọng không kém công nghệ trong khâu sản xuất phim.
Kỷ nguyên số đã mở ra những cơ hội cho điện ảnh. Sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ sản xuất phim, chiếu phim, lưu trữ phim trong điện ảnh trên nền tảng công nghệ số là một yếu tố thuận lợi, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi mỗi nền điện ảnh dân tộc phải đầu tư tìm tòi ra con đường đi của mình trên nền tảng văn hóa dân tộc.
“Hiện nay, các di sản hình ảnh động quốc gia/ những tác phẩm điện ảnh Việt Nam sau khi kết thúc vòng đời tại rạp chiếu, hầu hết được “nằm lạnh” trong kho lưu trữ dưới hình thức những cuốn phim nhựa, cơ hội quay trở lại với khán giả rất hạn chế khi các thiết bị chiếu phim nhựa đã bị khai tử tại hệ thống rạp chiếu. Chỉ có một số những bộ phim mới sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật 4.0 mới có thể hiện diện được trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến cho người dùng sau khi đã khai thác hết mức có thể tại rạp; tuy nhiên cũng chưa đủ tạo thành một nền tảng số phim Việt cuốn hút và có tầm vóc, ý nghĩa sâu sắc với người xem Việt Nam, nhất là đối với giới trẻ”, đạo diễn, họa sĩ Phùng Văn Hà trăn trở.
Từ trải nghiệm nhiều năm của người làm nghề, đạo diễn Phùng Văn Hà cho rằng vô cùng cần thiết và cấp bách là phải có những dự án lớn, sản xuất kịp thời những bộ phim về cuộc sống con người, văn hóa truyền thống thuần Việt. Bởi theo ông, một đời sống có ý nghĩa của mỗi bộ phim sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nền điện ảnh dân tộc, đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử đất nước, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên môi trường mạng, hòa nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời góp phần ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa trong một thế giới phẳng. Những tác phẩm góp phần định hướng cho giới trẻ, để thêm yêu quê hương đất nước Việt Nam.
NSND, đạo diễn Hà Bắc cho rằng yếu tố con người chính là vấn đề trung tâm trong phát triển kỷ nguyên số. “Điện ảnh, truyền hình Việt Nam cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, để từ đó chấp nhận dấn thân vào những đổi thay to lớn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, tạo nên những chiến lược đầu tư phù hợp để phát triển”, NSND, đạo diễn Hà Bắc khẳng định./.