Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Phượng Trì (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 10/09/2023 11:06

Chùa Phượng Trì có tên chữ là Thiên Phúc tự, toạ lạc ở khu vực trung tâm của làng Phượng Trì, thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

chua-phuong-tri-dp.jpg
Chùa Phượng Trì

Chùa Phượng Trì có kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, trước là Tiền đường, sau là Thượng điện. Ngoài ra, còn gác chuông, nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách. Gác chuông hai tầng tám mái, nổi lên như một đoá hoa sen. Kiến trúc này mô phỏng “Lâu môn”, tầng trên và tầng dưới tượng trưng cho thiên - địa, tám mái biểu hiện cho Bát chính đạo. Các bộ vì kèo được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, các con rường được tạo tác theo kiểu vân xoắn lá lật mềm mại và uyển chuyển. Phía trên nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, tám mái đao cong vút lên nền trời. Bên trong treo một quả chuông thời Cảnh Thịnh (1793 - 1801) và một khánh đồng thời Gia Long (1802 - 1819). Tiền đường có kết cấu 5 gian 2 chái, tường hồi bít đốc, phía trước đắp tường hoa chắn mái, phía trên đề ba chữ “Thiên Phúc tự”. Bên trong, kết cấu các bộ vì được làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ quá giang” thiên về độ bền chắc. Mọi trang trí chủ yếu tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện và cửa võng.

Trên Tam bảo, ở vị trí cao nhất là nơi an vị của ba pho tượng Tam thế. Lớp tượng thứ hai là A Di Đà ở giữa, hai bên là 2 tượng Quan Âm và Thế Chí. Tượng A Di Đà ở chùa Phượng Trì rất đặc biệt. Có thể nói đây là pho tượng to nhất ở huyện Đan Phượng, (cao 150cm, ngang vai 50cm, ngang gối 120cm, bệ sen cao 40cm), được tạo trong thế ngồi kiết già trên bệ, tay kết định ấn. Hai pho tượng Bồ tát quan âm được tạo tác tương tự nhau, trong thế ngồi trên đài sen. Lớp thứ 3, ngồi chính giữa là tượng Quan Âm và hai bên là tượng Văn Thù và Phổ Hiền. Lớp thứ 4 là tượng Ngọc hoàng ở giữa, 2 bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu có niên đại thế kỷ XIX. Lớp tiếp theo là tòa Cửu long được làm theo kiểu vòm cầu bằng gỗ chạm với 9 con rồng trong mây bao bọc xung quanh đang phun nước tắm cho Thích Ca sơ sinh ở giữa. Hai bên đầu đốc của toà Thượng điện, bên trái là tượng Bồ tát Quan Âm chuẩn đề được tạc ngồi tọa thiền trên đài sen. Bên phải là tượng Bồ tát, Quan Âm tống tử được tạc trong tư thế ngồi trên hòn giả sơn, tay phải bế hài nhi, tay trái đặt trên gối trái.

Hai gian bên tòa Tiền đường có hai bộ tượng Đức Ông và Thánh Tăng. Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là bên trong nhà Mẫu hiện còn một giếng nước cổ. Theo lời kể của người dân nơi đây, giếng nước này rất tinh khiết. Nước giếng được dùng cho những ngày lễ tiết của làng. Giếng nước này còn ẩn chứa triết lý âm dương của người phương Đông. Đây chính là nơi tụ thuỷ tụ phúc đem lại sự hanh thông cho toàn thể dân làng Phượng Trì.

Chùa Phượng Trì đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)