Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Phúc Tâm (huyện Phúc Thọ)

Sơn Dương (t/h) 10/09/2023 08:41

Chùa Phúc Tâm hiện nay tọa lạc tại xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

chua-phuc-tam-pt.jpg
Làng Sen Chiểu nơi có Chùa Phúc Tâm

Chùa nằm ở đầu làng Sen Chiểu, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây. Từ Hà Nội, đi theo đê sông Hồng về phía tây, qua các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, tới huyện lỵ Phúc Thọ, đi tiếp khoảng 1km là tới đầu làng Sen Chiểu. Chùa nằm ở ngay đầu làng, cách chân đê khoảng 50m.

Theo cuốn ngọc phả “Chiêu ứng hộ quốc Đại vương, Chủ quan Phụ đạo Hưng Hoá triều Hùng”, viết vào ngày lành mồng 6 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 2 (1471) có nhắc đến việc nhân dân Sen Chiểu sửa sang chùa của làng dưới thời Hùng Vương. Dù niên đại này quá xa xưa, ít thuyết phục, song cũng cho thấy rằng chùa Phúc Tâm có niên đại xây dựng từ lâu đời và còn tồn tại đến ngày nay.

Chùa Phúc Tâm được xây theo hướng đông, sát hồ sen. Vẻ cổ kính của di tích được thể hiện rõ nét qua quy hoạch mặt bằng dạng chữ “công”, bao gồm: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.

Nhà Tiền đường có quy mô lớn gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Nhà cao, mái lợp ngói ta mỏng, mũi hơi hất lên. Các bộ vì kèo được làm giống nhau theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền hạ bẩy. Mỗi vì gồm 4 hàng chân, mái phân thượng tứ, hạ ngũ. Nền nhà Tiền đường lát gạch màu đỏ thẫm. Sát tường hậu của hai gian giữa xây bệ gạch để đặt tượng thờ. Trên kiến trúc này, các con hoành, xà, kẻ được bào trơn, bào soi rất nhẹ nhàng. Tại đây có hai pho tượng Quan Âm Bồ tát và Đức Ông ngồi đối diện nhau qua gian giữa.

Thiêu hương có quy mô nhỏ, gồm 1 gian 2 chái, có một gian nối Tiền đường và Thượng điện. Nhà có kết cấu đơn giản dạng kèo cầu quá giang. Chính giữa lòng nhà xây bệ gạch lớn để bày đồ khí tự. Sát hai bên tường bao có treo hai di vật bằng đồng của thời Lê Trung hưng và Tây Sơn. Gian nối Tiền đường và Thượng điện có hai bộ vì chính kết cấu kiểu chồng rường, các con rường chồng khít lên nhau tạo thành bức cốn để trang trí. Hai bộ vì bên làm theo dạng giá chiêng kẻ chuyền. Nghệ thuật chạm nổi được thể hiện chủ yếu trên hai bộ vì chính và câu đầu với vân thực vật và vân mây. Trên ban thờ của toà Thiêu hương có 3 pho tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng khác nhau.

Chùa Phúc Tâm còn lưu giữ một số di vật, cổ vật có giá trị như: quả chuông đồng “Phúc Tâm tự chung” được đúc vào thời Nguyễn (Cảnh Thịnh bát niên tam nguyệt nhị thập ngũ nhật, tức ngày 25 - 3 - 1880), khánh đồng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), 2 hạc gỗ thế kỷ XIX, 1 bức hoành phi, 2 đôi câu đối...

Chùa được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)