Âm nhạc

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sỹ bản hùng ca cách mạng “Mười chín tháng Tám”

Phan Anh 20:06 08/09/2023

Là một nghệ sỹ tài hoa, ông ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm âm nhạc và hội họa nổi tiếng như bản hùng ca cách mạng “Mười chín tháng Tám”, ca khúc “Bầu trời lại trong xanh”…

nhac-si-8923.jpg
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sỹ Đỗ Xuân Oanh . Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Hòa bình Việt Nam phối hợp với Hội Việt - Mỹ và gia đình cố nhạc sỹ Đỗ Xuân Oanh, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam) tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Đây là dịp để tưởng nhớ và tri ân một con người đa tài, người nghệ sỹ tài hoa, nhà hoạt động đối ngoại nhân dân xuất sắc, nhà lãnh đạo của Ủy ban Hòa bình Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã điểm lại sự nghiệp cách mạng của cố nhạc sỹ Xuân Oanh.

Nhạc sĩ Xuân Oanh (4/1/1923-4/1/2023) luôn được nhắc đến như một nhạc sĩ của mùa thu cách mạng Việt Nam. Ông sống mãi trong tưởng nhớ của mọi người cũng như ca khúc Mười chín Tháng Tám của ông trở thành “di sản” âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Là một nghệ sỹ tài hoa, ông ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm âm nhạc và hội họa nổi tiếng như bản hùng ca cách mạng “Mười chín tháng Tám”, ca khúc “Bầu trời lại trong xanh”…

Được hòa mình trong dòng thác cách mạng, được chứng kiến những giờ phút thiêng liêng hào hùng của đất nước, người thanh niên 23 tuổi Xuân Oanh không kìm nổi cảm xúc dâng trào và cảm xúc ấy bật lên thành ý nhạc, lời ca: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...” và cứ thế, “xuất thần” những câu tiếp sau.

Ông vừa sáng tác vừa hát lên để quần chúng đi trong đoàn biểu tình hát theo. Tới Nhà hát Lớn thì ca khúc Mười chín tháng Tám đã hoàn chỉnh. Giữa Quảng trường Nhà hát Lớn trong mùa thu, rực rỡ cờ sao, nhân dân phấn khởi, tự hào, hát vang bài ca được sáng tác tại chỗ, kịp thời nhất: “... Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề: Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.

Sau đó ít ngày, bài hát Mười chín tháng Tám được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.

Điều ít ai ngờ nhất, là ông không chỉ có tài về âm nhạc, mà ông rất có năng khiếu văn chương. Khiếu văn chương của ông được hỗ trợ bởi những ngoại ngữ ông tinh thông, đã góp phần mang văn học Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài. Ông đã dịch Thơ Hồ Xuân Hương trong Tuyển tập thơ nữ Việt Nam - NXB Phụ nữ, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ), tiểu thuyết Ông Cố Vấn (Hữu Mai) sang Tiếng Anh….

Ông cũng là một dịch giả tiếng Việt của một số tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng hay Best Sales của văn học đương đại như: Trần trụi giữa bầy sói (Bruno Apitz, cùng Hoàng Tố Vân), Hai số phận (Jeffrey Archer), Lucky, Nửa đêm về sáng, Một lần chưa đủ, Mãi mãi xanh, Máy yêu (Jacqueline Susann); Cổng vàng, Vườn Thượng Hải,Phía sau tình yêu, Bảo bối Thượng Hải (Vệ Tuệ)….

Đặc biệt, nhạc sỹ Xuân Oanh là một nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc. Nhạc sĩ Xuân Oanh có thể nói là một nhà ngoại giao văn hóa tài giỏi và uy tín, là một trong số các nhà văn hoá Việt Nam mà nhiều bạn bè và cả những nhà nghiên cứu văn hóa học nước ngoài đến Việt Nam đều muốn tìm gặp để trò chuyện, để tìm hiểu.

Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Nhạc sĩ Xuân Oanh luôn được nhắc đến như một nhạc sĩ của mùa thu cách mạng Việt Nam. Ông sống mãi trong tưởng nhớ của mọi người cũng như ca khúc “Mười chín Tháng Tám” của ông.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam nhấn mạnh, ông Xuân Oanh là một tấm gương sáng, tiêu biểu về sự hiểu biết, kinh nghiệm, tài trí và nghệ thuật, đặc biệt trong việc vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Cại buổi gặp mặt, các đại biểu đã xem phim tư liệu nhìn lại chặng đường cống hiến cho cách mạng, ngoại giao nhân dân của cố nhạc sĩ Xuân Oanh.

Nhân dịp này, cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh: Cánh chim Oanh của mùa xuân Cách mạng” chính thức được ra mắt. Thông qua cuốn sách, người đọc được hiểu thêm về sự nghiệp và con người “đặc biệt” Đỗ Xuân Oanh./.

Phan Anh