Chính sách & Quản lý

Đà Lạt đưa Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Nguyễn Hữu Hào ra khỏi nhóm bảo tồn cao nhất

KT 19:44 08/09/2023

Quyết định mới về quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã chính thức điều chuyển vị trí phân loại của Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Nguyễn Hữu Hào từ nhóm 1 xuống nhóm 2.

a4.jpg
Dinh Tỉnh trưởng

Đồng thời bổ sung một quy định mới: "Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt”. Đây có thể xem là động thái "mở đường" pháp lý để cải tạo Dinh Tỉnh trưởng theo đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình...

UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 9.6 đã ký Quyết định số 53 ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22.9.2023 và thay thế Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Theo đó, toàn thành phố hiện có 166 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, được phân thành 3 nhóm: Nhóm một gồm 3 biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa, bao gồm Dinh I, Dinh II và Dinh III. Nhóm hai gồm 69 nhà biệt thự và nhóm ba gồm 94 biệt thự.

Quyết định số 53 chính thức điều chuyển vị trí của Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Nguyễn Hữu Hào từ nhóm 1 (theo Quyết định số 47) xuống nhóm 2.

Việc cải tạo nhà biệt thự được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý di sản văn hóa, các quy định khác có liên quan.

Cụ thể: Đối với nhà biệt thự nhóm một: Khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; Đối với nhà biệt thự nhóm hai: Khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Đối với nhà biệt thự nhóm ba: Được cải tạo, nâng cấp không gian bên trong, bên ngoài công trình; thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

“Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt” – một quy định mới của Quyết định số 53 so với Quyết định số 47.

Cũng theo Quyết định số 53, không được phá dỡ nhà biệt thự nhóm một và nhóm hai nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Đại diện chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý nhà biệt thự có trách nhiệm thực hiện phá dỡ nhà biệt thự nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện phá dỡ; trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà biệt thự thì chủ đầu tư có trách nhiệm phá dỡ nhà biệt thự.

Các sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm rà soát quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước để xây dựng hồ sơ khoa học tham mưu, đề xuất UBND tỉnh công nhận di tích đối với biệt thự có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; mặt khác nghiên cứu, đề xuất việc bố trí kinh phí quản lý, bảo trì, cải tạo, xây dựng lại nhà biệt thự theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22/9/2023, thay thế quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt./.

KT