Chùa Phúc Nương (huyện Gia Lâm)
Chùa Phúc Nương thuộc thôn Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa có tên chữ là Phúc Nương tự, còn được gọi là chùa Yên Thường.
Chùa Phúc Nương là ngôi chùa cổ được xây dựng sớm ở nước ta. Nguồn tư liệu, văn bản hiện còn không cho phép ta khẳng định niên đại ra đời cụ thể song những tấm bia mang niên hiệu Hoằng Định Chính Hoà thời Lê Trung hưng đã khẳng định sự nổi tiếng của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Cũng ở thời Lê, Quan phó tự thuỷ sư Tư Lễ giám hiệu kiêm Thái giám Dật Hải hầu Phạm Hữu Toán và Quận công Nguyễn Đình Huấn (đều là người Yên Thường) đã 2 lần đóng góp tu bổ và mở rộng ngôi chùa. Đầu thời Nguyễn, chùa Phúc Nương được tu sửa lớn. Đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) dân làng đã công đức tiền của để mua đồng thuê thợ đúc quả chuông đồng lớn “Phúc Nương tự chung”. Sau lần đúc chuông, chùa Phúc Nương còn được dân làng trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Đợt sửa chữa cuối cùng còn được ghi lại trên kiến trúc của chùa vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Tuy vẻ ngoài của ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc của đợt trùng tu sửa chữa cuối cùng này song các tác phẩm điêu khắc, bia ký mang niên đại từ thời Lê đến Nguyễn đã khẳng định sự tồn tại liên tục của ngôi chùa từ khi khởi dựng cho tới nay.
Chùa Phúc Nương được xây dựng trên khu đất rộng, gắn bó mật thiết với di tích đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn tạo thành một cụm di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.
Kiến trúc của ngôi chùa gồm Tam quan, nhà bia ở bên phải sân, khu chùa chính và nhà tổ. Các hướng nhà được quy hoạch theo chiều sâu và nhìn ra hướng đông.
Tam quan mới được xây dựng lại với 3 khuôn cửa mở lối vào. Mái cổng hai tầng lợp ngói ống. Trước chùa dựng cây hương đá niên hiệu Chính Hoà thứ 9 (1689), bên phải sân có kiến trúc đơn giản để bảo quản những tấm bia cổ.
Chùa chính có kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Giống như những di tích được quy hoạch lại vào thời Nguyễn, Thiêu hương và Thượng điện được nối liền thành nếp nhà dọc gắn với Tiền đường. Tiền đường là nếp nhà 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Sát với tường hậu và 2 hồi xây những bệ gạch cao để đặt tượng thờ và bài vị của những người gửi hậu thời Lê, Nguyễn. Thượng điện gồm 3 gian 1 dĩ gắn với Tiền đường.
Trong chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng tròn mang giá trị thẩm mỹ cao, gây ấn tượng nhất là những pho tượng thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII), chuông đồng những di vật đá như 2 pho tượng Hậu, 5 bài vị đá thời Lê, 12 tấm bia đá có niên đại sớm, là những di vật quý trong kho tàng di sản văn hoá nước nhà, cần được bảo tồn, gìn giữ.
Chùa Phúc Nương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02