Chùa Phú Hoà (huyện Thạch Thất)
Chùa Phú Hoà có tên chữ là Quang Phúc tự. Địa danh Phú Hoà xưa thuộc tổng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thôn Phú Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa gồm: chùa chính với kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra chùa còn có nhà Mẫu. Tiền đường nhìn hướng chính tây, đây là một ngôi nhà ngang gồm 5 gian làm kiểu tường xây hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói mũi. Bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hình hoa văn chữ triện cách điệu hình kìm. Chính giữa bờ nóc là ô hình chữ nhật đắp nổi ba chữ “ Quang Phúc tự”. Vào bên trong các bộ vì đỡ mái toà tiền đường được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ, bẩy. Toà thượng điện là 3 gian nhà dọc nối với Tiền đường. Kết cấu các bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ bẩy”. Các con rường đều được làm công phu tỷ mỷ với những đường nét chạm khắc tinh xảo hình vân mây và sóng nước. Phần điêu khắc của chùa chủ yếu tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện. Trên cùng là 3 pho Tam thế, tiếp đến là pho Thích Ca giáo chủ, lớp thứ ba là A Di Đà, lớp tiếp theo là toà Cửu long và Thích Ca sơ sinh. Hai bên sườn Thượng điện là nơi toạ lạc của Đức Ông, đức Thánh Hiền, Văn Thù bồ tát, Phổ Hiền bồ tát và Thập điện Diêm vương.
Có thể nói, tượng chùa Phú Hoà là một trong những hệ thống tượng đẹp, có niên đại tạo tác vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII và có giá trị nghệ thuật cao. Hiện tại, chùa còn lưu giữ được 1 quả chuông đồng cổ được treo tại Tiền đường có niên đại vào thời Cảnh Hưng 5 (1744), 42 pho tượng cổ rất có giá trị, 1 đôi nghệ bằng đất nung thời Mạc, 2 hương gốm Thổ Hà.
Chùa Phú Hoà đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02