Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Phổ Giác (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 06/09/2023 10:36

Chùa Phổ Giác hiện nay tọa lạc tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

chua-pho-giac-dd.jpg
Chùa Phổ Giác

Chùa Phổ Giác, tên chữ là Phổ Giác tự ở cuối phố Ngô Sĩ Liên thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Có người giải thích chùa Phổ Giác có nghĩa là phổ cập, giác ngộ Phật pháp cho phật tử, chúng sinh. Chùa còn có tên là chùa Tàu, vì nơi đây thời Lê - Trịnh vẫn là tàu voi, nơi huấn luyện voi chiến của triều đình.

Chính vì vậy mà ngoài thờ Phật, thờ Mẫu như nhiều chùa khác, chùa này còn thờ quận công Phan Cảnh Điệp, một người luyện voi giỏi thời vua Lê chúa Trịnh. Tương truyền Phan Cảnh Điệp là người xứ Nghệ, cháu 17 đời của đạo sĩ Vinh quận công nhà Tiền Lê. Đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) có một con voi xổng chuồng, chạy tới Trường Thi, phá phách lung tung, làm dân lo sợ. Chúa Trịnh đã ra lệnh ai có tài bắt được voi quay về chuồng sẽ trọng thưởng. Lúc ấy Cảnh Điệp đã tới nơi voi đang phá phách, nhẩy lên lưng voi, dùng búa sắt điều khiển voi, tỏ rõ uy lực, buộc voi phải quay về trước điện Kính Thiên. Chúa Trịnh thấy thế rất mừng, bèn trọng thưởng, thăng làm đội trưởng, phong hàm lục phẩm. Sau này Phan Cảnh Điệp còn cưỡi voi xông lên phá giặc nhiều trận, nên được phong quận công. Phan Cảnh Điệp đã nhận tước phong nhưng không ra làm quan mà lại vào chùa thụ giới, niệm Phật. Tấm bia ở chùa dựng năm Canh Dần (1770), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 có đoạn nói rất rõ về vai trò của voi trong chiến trận và tài nghệ của quận công Cảnh Điệp trong việc luyện voi giỏi...

Ngoài tượng Phật, chùa Phổ Giác còn lưu giữ được gần 30 bức hoành phi, câu đối rất phong phú giá trị cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt bên trong hậu cung còn đặt một pho tượng chân dung quận công Phan Cảnh Điệp.

Các di vật trong chùa cũng rất phong phú như chuông, bia đá, ngựa đá, bài vị, khám thờ, nhang án. Tổng số tượng tròn ở chùa chính, điện Mẫu, nhà Tổ là 37 pho, 13 bia đá, 3 chuông đồng cùng nhiều đồ quý giá khác.

Chùa Phổ Giác đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)