Chùa Nhượng Lê (huyện Mỹ Đức)
Chùa Nhượng Lê hiện nay tọa lạc tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa Nhượng Lê có tên chữ là Lê Quang tự, ở trung tâm thôn Đình Lê. Địa danh này ngày xưa thuộc khu Đường Lê, trang Vĩnh Lạc, tổng Viên Nội, phủ Ứng Thiên.
Trước đây chùa có quy mô và kiến trúc rất bề thế, hệ thống tượng cũng phong phú. Trong thời gian chiến tranh (1947 - 1954), Tuy Lai thuộc vành đai trắng nên một số hạng mục kiến trúc và hệ thống tượng đã bị phá huỷ nhiều. Hiện tại chùa Nhượng Lê còn Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ nhà Mẫu và sân vườn. Tiền đường gồm 3 gian 2 mái chảy đầu hồi bít đốc kết cấu các bộ vì bên trong được làm theo kiểu “kèo kẻ”. Nối liền với Tiền đường là toà nhà Thượng điện gồm 2 gian.
Nhìn chung kết cấu chùa Nhượng Lê được làm đơn giản thiên về độ bền chắc. Các chi tiết trang trí chủ yếu tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện. Ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế gồm 3 pho có kích thước và tạo dáng tương tự nhau. Tượng được tạo tác trong thế ngồi âm dương, lộ bàn chân phải trên đùi trái, tay kết định ấn đặt ngửa lên lòng đùi.
Sọ tượng nở, mặt đầy đặn cân phân, tai to chảy dài. Các cụm tóc vấn đầy kết hạt nhỏ, áo tượng hai lớp, lớp trong kết múi trước bụng, la bào cánh sen khoác ngoài. Tượng có phong cách thời Nguyễn. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà. Tượng có dáng lùn, mặt tròn, tai to chảy dài, má tượng nở rộng, tượng ngồi trên bệ, hai tay kết định ấn đặt ngửa trong lòng đùi, áo tượng nhiều lớp, lớp ngoài cùng là cà sa, áo trong thắt múi trước bụng, ngực để trần và có chữ vạn khắc nổi. Lớp thứ ba là tượng Quan Âm ngồi theo thế âm dương trên tòa sen. Đôi tay chính kết ấn chuẩn đề trước ngực, một đội kết định ấn đặt ngửa trên lòng đùi, các đôi tay khác xoè ra hai bên trong các thế ấn khác nhau hoặc cầm pháp bảo nhà Phật. Đầu tượng đội mũ thiên quan cao, vành mũ cẩn lưỡng long chầu nguyệt và hoa cúc mãn khai, tóc búi ngược, dái tai to chảy dài. Lớp thứ tư là tượng Ngọc hoàng đầu đội mũ bình thiên, hai tay cầm hốt lệnh chỉ, chân đi hia. Mình mặc áo long cổn có đai trước bụng, các nếp áo mềm có đường riền trang trí trước ngực và vai. Tượng có niên đại thời Nguyễn. Lớp cuối cùng là toà Cửu long được chạm hình vòm cầu. Chính giữa toà Cửu long là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên toà sen, mình trần, tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất theo tích nhà Phật. Vòm cầu được thể hiện 9 con rồng cùng vân máy xen kẽ. Hai gian bên của toà Tiền đường là nơi toạ lạc của tượng Đức Ông và Thánh Tăng.
Chùa Nhượng Lê đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02